Để cải tạo đất lúa và phòng trừ sâu bệnh trước điều kiện thời tiết bất thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ người dân sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ cao nano canxi silic.
Dùng phân hữu cơ Nano Canxi Sillic cải tạo cho vùng nếp Thầu Dầu
Đây là ruộng lúa nếp Thầu Dầu của gia đình bà Dương Thị Thành tại xóm Múc, Xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình tỉnh Thái Nguyên đang thì con gái, xanh tốt mượt mà, lúa phát triển đều và không có dấu hiệu của sâu bệnh.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Thành, 5 sào nếp Thầu Dầu của gia đình trong vài năm gần đây bị giảm năng suất và xuất hiện một số sâu bệnh hại vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, trái ngược với hình ảnh xanh tốt trong giai đoạn đẻ nhánh.
Bà DƯƠNG THỊ THÀNH - Xóm Múc, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên
"Nếu như sản phẩm mà chúng tôi cấy lúa ra mà có thuốc trừ sâu, ăn uống vào rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Rất là ảnh hưởng tới chất đất, thời xưa chúng tôi chăn nuôi còn có cái phân hữu cơ nhiều, mà bây giờ chúng tôi phải dùng nhiều phân tổng hợp"
Ghi nhận tại địa phương, bà con vẫn canh tác lúa bằng phân đạm và các loại phân tan nhanh. Đặc biệt, do quen dùng các loại phân gốc chua trên nền đất chua nên càng làm đất chua thêm và có hiện tượng lúa mới cấy kém phát triển.
Vụ mùa 2024, thời tiết miền Bắc nói chung và tại Thái Nguyên nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường hơn nhiều năm gần đây, sâu bệnh, dịch hại có thể phát sinh nhiều.
Để cải tạo đất lúa và phòng trừ sâu bệnh trước điều kiện thời tiết bất thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang đã triển khai hỗ trợ người dân sử dụng phân bón hữu cơ PAN công nghệ cao nano canxi silic trên cây lúa tại huyện Phú Bình.
PAN là dòng phân bón thế hệ mới, được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ. Đặc biệt, phân bón hữu cơ PAN có 2 thành phần dưỡng chất trung lượng thiết yếu là canxi và silic được chiết xuất bằng công nghệ nano giúp cây trồng có bộ rễ khỏe, cải tạo đất, tăng khả năng quang hợp, tăng sức đề kháng và chống chịu với sâu bệnh hại của cây lúa.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THÔNG - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên
"Khi sử dụng phân bón hữu cơ này, thứ nhất làm cho cây lúa cứng cây và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Thứ hai nữa sẽ cải tạo đất và làm cho đất tơi xốp, thoáng khí hơn, bộ rễ phát triển tốt hơn. Thì nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm lúa Úc Kỳ".
Được sản xuất bằng công nghệ nano nên người dân chỉ cần sử dụng một liều lượng nhỏ phân bón hữu cơ PAN vẫn đạt được hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, 1 lít phân bón PAN có thể phun qua lá, hoặc tưới gốc trên diện tích 1 - 1,5ha.
Theo dõi trên một số diện tích đối chứng cho thấy khi bón nhiều đạm, mật độ sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn cao hơn hẳn so với mô hình sử dụng phân bón PAN, đặc biệt là giai đoạn lúa ôm đòng, trời thường xuyên có mưa, ẩm độ cao.
Bên cạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất, mô hình còn triển khai bón phân hữu cơ bằng thiết bị bay không người lái - drone. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đang có kế hoạch mở rộng thêm nhiều mô hình điểm, tăng diện tích gieo sạ, bón phân bằng thiết bị bay trong những vụ sau.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, xây dựng các mô hình đưa tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm phục hồi, cải tạo đất.