Đường hơn 700 tỷ đồng tại Hòa Bình sụt sâu gần 1m, xé con đường làm 2. Vận hành âu thuyền trăm tỷ, người dân Cần Thơ dần thoát cảnh ngập úng. Bình Định sẵn sàng ứng phó sạt lở mùa mưa bão. Hồ tiêu trở lại ‘câu lạc bộ tỷ đô'.
Đường hơn 700 tỷ đồng tại Hòa Bình sụt hẫng sâu gần 1m, xé con đường làm 2
Kiên Trung sản xuất
Gần 3 tháng qua, người dân và các phương tiện lưu thông rất khó khăn trên tuyến đường 435 từ chân dốc Cun vào cảng Ngòi Hoa thuộc xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình do tuyến đường bị sạt lở, xé con đường làm đôi.
Để lưu thông tạm, lực lượng chức năng đã thiết kế một đoạn đường tạm bằng đất, ngay bên hông vị trí bị sụt lún để lưu thông trong khi chờ khắc phục sự cố.
Vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất tại Km27+700 - Km28+500, đường tỉnh 435, cách cảng du lịch Ngòi Hoa khoảng 500m. Tại đây, mặt đường võng sâu, vế nứt xé toạc con đường làm hai phần. Phần mặt đường bị sụt lún sâu tới gần 1 mét. Đặc biệt, vết nứt kéo dài tới sát mép nước hồ Thủy điện Hòa Bình.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình Đinh Anh Tuấn cho biết, Sở đang thuê đơn vị tư vấn thiết kế để nghiên cứu phương án khắc phục sự cố sụt lún nói trên. Theo ông Tuấn, tuyến đường trọng điểm có tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng nói trên đã được bàn giao cho tỉnh quản lý, sử dụng và đã hết thời hạn bảo hành 1 năm thì xảy ra sự cố.
Vận hành âu thuyền trăm tỷ, người dân Cần Thơ dần thoát cảnh ngập úng
Văn Vũ sản xuất
Để giảm thiểu tình trạng ngập úng do mưa lớn hoặc triều cường dân cao, TP. Cần Thơ đã xây dựng công trình Âu thuyền Cái Khế có kinh phí đầu tư 436 tỷ đồng.
Công trình được thiết kế như hệ thống khóa và xả điều tiết lượng nước. Sau khi kệ thống chống ngập âu thuyền Cái Khế vận hành đã giúp trung tâm Cần Thơ thoát ngập dù triều cường vượt báo động 3 từ 0,15 – 0,16 m.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ, các công trình chống ngập được đầu tư trong thời gian qua đã giúp cải thiện tình trạng ngập úng tại khu vực nội đô của Cần Thơ.
Thành phố đang đề xuất dự án chống ngập mới với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.500 tỷ đồng, mở rộng diện tích bảo vệ thêm hơn 2.700 ha. Qua đó, giúp kiểm soát ngập cho toàn bộ quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy.
Bình Định sẵn sàng ứng phó sạt lở mùa mưa bão
Vũ Đình Thung sản xuất
Ghi nhận tại tỉnh Bình Định, địa phương này có gần 40 khu vực có nguy cơ sạt lở; trong đó, có 15 khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đáng chú ý, toàn tỉnh có hơn 400 nghìn hộ dân với hơn 1,4 triệu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương, cần được hỗ trợ khi thiên tai xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai có thể xảy ra từ nay đến cuối năm, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Hiện nay, địa phương đang tiến hành khơi thông các dòng chảy, tổ chức diễn tập... chống thiên tai.
Toàn tỉnh hiện có 3 khu neo đậu tàu cá lớn tại đầm Thị Nại, đầm Đề Gi và khu neo đậu Tam Quan với tổng sức chứa là hơn 5.200 tàu. Địa phương đã xây dựng các phương án bảo đảm an toàn các phương tiện đánh bắt trên biển. Khi có thông báo về bão hoặc áp thấp nhiệt đới, lực lượng sẽ thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng để họ chủ động di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc quay về các cảng gần nhất.
Hồ tiêu trở lại ‘câu lạc bộ tỉ đô’
Năm 2014, lần đầu tiên xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào "câu lạc bộ tỉ đô" với giá trị xuất khẩu đạt 1,2 tỉ USD.
Sau giai đoạn năm 2016, giá hồ tiêu rớt thê thảm, từ 2017 đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức trên dưới 900 triệu USD.
Tuy nhiên, theo số liệu Tổng cục Hải quan, 9 tháng 2024, Việt Nam bán hơn 200.000 tấn hồ tiêu , thu về hơn 1 tỉ USD, tăng gần 47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, do giá bán tăng cao ở mức bình quân gần 4.950 USD/tấn.
Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam nhận định, lượng hạt tiêu trong người dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp. Dự báo ngành hạt tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung giảm.