Diễn đàn kinh tế xã hội 2022 thu hút 400 đại biểu đăng ký tham dự. Gắn kết ngành hàng đưa nông sản Việt vào chuỗi phân phối lớn của thế giới. Triển khai phần mềm nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc cá ngừ. Cà Mau thiếu nhiên liệu trầm trọng. Bình Phước kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 9 dự án nhà ở xã hội
DIỄN ĐÀN KINH TẾ XÃ HỘI 2022 THU HÚT 400 ĐẠI BIỂU ĐĂNG KÝ THAM DỰ
Chia sẻ tại buổi họp báo về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” ngày 15/9, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp nối thành công, diễn đàn năm nay sẽ tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ bối cảnh quốc tế, xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế.Diễn đàn cũng đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và tham vấn các vấn đề nóng của kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.Diễn đàn dự kiến khai mạc ngày 18/9 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khoảng 400 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
GẮN KẾT NGÀNH HÀNG ĐƯA NÔNG SẢN VIỆT VÀO CHUỖI PHÂN PHỐI LỚN CỦA THẾ GIỚI
Chiều 15/9, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ Nông sản tại thị trường Hà Lan cùng các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế.Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho rằng, để đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường EU nói chung và Bắc Âu nói riêng, gắn kết ngành hàng ngoài vai trò của Bộ NN-PTNT, cơ quan thương vụ, các hiệp hội, ngành hàng cũng đóng góp rất lớn trong việc thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thay đổi, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng. Ông Nguyễn Quốc Toản nhận định, gắn kết ngành hàng cần tăng cường gắn kết các hiệp hội, ngành hàng với nhau, từ đó, xây dựng thương hiệu nông sản Việt để vào được những chuỗi phân phối lớn trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp với trách nghiệm của mình, cần đưa các kiến nghị lên các cơ quan chuyên môn. Qua đó, xây dựng các thể chế pháp lý đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
TRIỂN KHAI PHẦN MỀM NHẬT KÝ ĐIỆN TỬ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC CÁ NGỪ
Tại buổi làm việc với Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam chiều 15/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đề nghị Hiệp hội Cá ngừ đồng hành cùng Tổng cục trong việc triển khai phầm mềm nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc cá ngừ bằng cách chọn các doanh nghiệp của Hiệp hộiSau khi trải qua quá trình triển khai, sẽ tìm ra những giải pháp tối ưu hơn để tiết kiệm sức người, tăng độ chính xác của phần mềm .Ngoài ra, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân yêu cầu đơn vị thực hiện tăng cường đảm bảo tính an toàn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các tác nhân tham gia chuỗi truy xuất, đồng thời sớm xây dựng phương hướng, nhiệm vụ để hoàn thiện hơn nữa phần mềm cho các năm tới.
CÀ MAU THIẾU NHIÊN LIỆU TRẦM TRỌNG
Thời gian gần đây, do thiếu nhiên liệu, nhiều người dân tại Cà Mau không thể vận hành thiết bị công trình, nhiều dự án trọng điểm đang cần đẩy nhanh tiến độ cũng phải dừng lại, hàng trăm tàu cá lớn nhỏ không thể ra khơi. Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh từ ngày 05/9 nhưng đến nay, nguồn cung vẫn khan hiếm, nhất là Dầu DO. Trước việc nguồn cung hạn chế đã tác động đến nhiều lĩnh vực, thời gian tới, tỉnh Cà Mau đang tìm mọi giải pháp tháo gỡ những khó khăn và hỗ trợ các cửa hàng xăng dầu để có đủ nguồn cung nhiên liệu cung ứng cho các công trình đang thi công và ngư dân phục vụ đánh bắt thủy hải sản.
BÌNH PHƯỚC KÊU GỌI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ 9 DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI
Phát biểu tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội ngày 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, địa phương này có lợi thế đất đai, là tỉnh có diện tích rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ và có khoảng 600 ngàn người trong độ tuổi lao động. Năm 2022, tỉnh Bình Phước mời gọi đầu tư nhà ở xã hội đối với 9 dự án. Ngoài ra, theo Đề án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 156 nghìn người.