Nhà trường và doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Cà Mau đặt mục tiêu hơn 40.000 ha lúa - tôm đạt chứng nhận ASC Group. Gạo Việt chiếm 40% thị phần tại Trung Quốc. Giá trị rau an toàn cao hơn 10 - 20% so với sản xuất rau thông thường.
NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
Minh Sáng - Sản xuất
Ngày 2/12, tại Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM và Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (UNIFARM). Bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn cho biết, đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học quốc gia và tỉnh Bình Dương. Theo đó, Trường ĐKHXH&NV đang thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh”. Đồng thời, sự phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã mở ra các hợp tác sâu rộng giữa Trường đại học và doanh nghiệp.
Nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác gồm: Các hoạt động hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, văn hoá và giáo dục; nâng cao, phát triển thể chất và tinh thần cho người lao động; cùng tổ chức các hoạt động học thuật, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, văn hoá, giáo dục; Thúc đẩy các hoạt động hợp tác cùng phát triển và phát huy khả năng và thế mạnh của nhau. Trong khuôn khổ buổi Lễ kí kết cũng đã diễn ra lễ khánh thành “Vườn cây liên kết” giữa nhà trường và doanh nghiệp.
CÀ MAU ĐẶT MỤC TIÊU HƠN 40.000 HA LÚA – TÔM ĐẠT CHỨNG NHẬN ASC GROUP
Khai thác
Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm trở thành trung tâm lớn nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Theo kế hoạch Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đến năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 570.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, việc đạt chứng nhận ASC Group (xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động) là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho tỉnh Cà Mau trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000ha lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác.
GẠO VIỆT CHIẾM 40% THỊ PHẦN TẠI TRUNG QUỐC
Khai thác
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 10 tháng năm 2023, nước này nhập khẩu 2,25 triệu tấn tấn gạo, tương ứng gần 1,2 tỷ USD, giảm 59% về lượng và giảm 48% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc giảm mua gạo từ hầu hết thị trường chính, ngoại trừ Việt Nam. Theo đó, đến hết tháng 10, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 896.000 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương 520 triệu USD, tăng 23% về lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc với thị phần chiếm gần 40%, tăng đáng kể so với mức 13,5% của cùng kỳ.
GIÁ TRỊ RAU AN TOÀN CAO HƠN 10 – 20% SO VỚI SẢN XUẤT RAU THÔNG THƯỜNG
Khai thác
Thời gian qua, Chi cục Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với UBND các địa phương của thành phố xây dựng vùng sản xuất rau an toàn áp dụng mô hình kiểm tra cộng đồng PGS. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm rau an toàn được bảo đảm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.
Sản phẩm rau an toàn theo chuỗi giá trị bán ra ổn định và cao hơn so với thị trường từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Giá trị sản xuất rau an toàn tại các vùng cao hơn 10-20% so với sản xuất rau thông thường.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đặt trọng tâm là hướng dẫn người dân sử dụng thuốc tại các vùng sản xuất rau. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật chỉ đạo hướng dẫn các mô hình PGS, qua đó nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau, nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học...