Các nước tiểu vùng sông Mê Kông chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6 - 0,8 tỷ USD trong 2 tháng cuối năm. Đẩy mạnh kinh tế rừng trồng. Sản lượng cá tra toàn cầu dự kiến đạt trên 3 triệu tấn.
CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG SÔNG MÊ KÔNG CHỐNG Ô NHIỄM KHÓI MÙ XUYÊN BIÊN GIỚI
Phương Chi – Sản xuất
Ngày 30/11, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông thực hiện Hiệp định ASEAN (lần thứ 12) về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo 5 nước tiểu vùng sông Mê Công, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, Việt Nam cam kết giành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được quan tâm hàng đầu. Để đối phó với những diễn biến thời tiết bất thường, đặc biệt là tác động của El Nino, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước tiểu vùng sông Mê Công và sự chung tay của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế để cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong sạch, phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm, và thảo luận những giải pháp để đưa ra những quyết định quan trọng có liên quan đến các vấn đề về quản lý cháy rừng, cháy đất than bùn, cũng như quản lý và kiểm soát ô nhiễm khói bụi của các nước tiểu vùng sông Mê Công nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung.
XUẤT KHẨU RAU QUẢ CÓ THỂ ĐEM VỀ 0,6 - 0,8 TỶ USD TRONG 2 THÁNG CUỐI NĂM
Khai thác
Số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau quả 11 tháng năm nay ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, nhóm rau quả lần đầu tiên giữ vị trí top 1 của ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê. Hiện, Trung Quốc đứng đầu thị trường nhập khẩu rau quả nước ta khi chiếm đến 66% thị phần.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quý IV năm nay, cả nước sẽ có khoảng gần 4 triệu tấn trái cây được thu hoạch và đưa ra tiêu thụ. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể đem về 0,6 - 0,8 tỷ USD. Do đó, để phát triển ngành hàng rau quả, các doanh nghiệp cần ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất. Ngoài ra, người nông dân cũng cần tập trung trồng các loại cây theo định hướng của chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu thị trường.
ĐẨY MẠNH KINH TẾ RỪNG TRỒNG
Tâm Phùng - Tâm Đức - Sản xuất
Đến nay, các địa phương trong huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã khai thác gần 2.500 ha rừng trồng kinh tế. Theo đó, tổng sản lượng gỗ rừng trồng đạt gần 178.000 m3 , tăng gần 44% so với cùng kỳ. Năng suất rừng trồng bình quân đạt trên 77 m3/ha. Các địa phương đã trồng cây phân tán ước đạt 162.000 cây phân tán, đạt 100% so với kế hoạch. Giữ ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng 69,8%. Diện tích trồng rừng tập trung đạt khoảng 2.500 ha, tăng hơn 500 ha so với năm 2022.
Huyện Bố Trạch đang triển khai liên kết cấp chứng chỉ rừng trồng và tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người dân. Đến nayđã hoàn thành việc tổ chức tập huấn tuyên truyền, vận động các hộ dân có rừng đăng ký tham gia, hoàn thành việc rà soát xây dựng bản đồ FSC. Dự kiến đến đầu năm 2024 sẽ tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC.
SẢN LƯỢNG CÁ TRA TOÀN CẦU DỰ KIẾN ĐẠT TRÊN 3 TRIỆU TẤN
Khai thác
Năm 2023, sản lượng cá tra toàn cầu dự kiến đạt 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với 2,9 triệu tấn sản xuất năm 2022. Dự kiến, năm 2024 sản lượng sẽ đạt khoảng 3,2 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2023.
Cá tra là loài cá đặc trưng và được coi là thương hiệu của Việt Nam. Tuy nhiên, một số quốc gia trên thế giới cũng nhận thấy tiềm năng này và bắt đầu nuôi cá tra như Ấn Độ, Indonesia,... Sản lượng cá tra ở Trung Quốc cũng đang tăng đáng kể và đang ở mức 400.000 tấn mỗi năm. Bangladesh mặc dù tốc độ tăng trưởng lại trì trệ hơn, tuy nhiên sản lượng thu hoạch ước tính cũng đạt gần 500.000 tấn, tăng 1% trong năm nay và năm 2024.