Doanh nghiệp Việt - Trung ký kết 21 thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nông sản. Lương thực, thực phẩm Việt Nam dần chiếm lĩnh thị trường UAE. Việt Nam thu hút tín dụng xanh phát triển nông nghiệp. Cà Mau nâng cao chất lượng thủy sản phục vụ xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt – Trung ký kết 21 thỏa thuận hợp tác xuất khẩu nông sản
Minh Phúc khai thác
Chiều 30/11, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Du lịch Quốc tế Việt Trung lần thứ 15 năm 2023 (Móng Cái, Quảng Ninh - Đông Hưng, Quảng Tây) diễn ra sự kiện Diễn đàn Kết nối Giao thương Xuất khẩu nông sản, Lâm, Thủy sản Việt-Trung.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết thành công21 thỏa thuận, hợp đồng kinh tế về thúc đẩy xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao.
Qua diễn đàn, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp ngành hàng cả hai nước kết nối trực tiếp với nhau để giảm các khâu xuất khẩu nông sản trung gian, có giá thành hợp lý nhất cho người tiêu dùng và tạo mối giao thương giữa doanh nghiệp của hai nước. Hai bên cũng dành những câu hỏi về cơ chế, quy định… trong quá trình thực hiện các thủ tục kiểm định, thông quan hàng hóa đến các ngành, phần nào gỡ được những nút thắt để tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn.
Lương thực, thực phẩm Việt Nam dần chiếm lĩnh thị trường UAE
Minh Phúc khai thác
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Trong giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm.
UAE phải nhập khẩu hầu hết các loại lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân. Do đó, thị trường này hầu như không có rào cản thương mại. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm… cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Việt Nam thu hút tín dụng xanh phát triển nông nghiệp
Minh Phúc khai thác
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối 12 dự án xanh do cơ quan này xây dựng và ban hành từ năm 2015 đạt gần 500.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân tín dụng chung nền kinh tế.
Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), lĩnh vực quản lí nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Cà Mau nâng cao chất lượng thủy sản phục vụ xuất khẩu
Văn Vũ sx
Cà Mau được xem là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn của cả nước với gần 300.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 220.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1 tỷ USD và thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này chủ yếu là EU và Trung Quốc.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của tại các thị trường như EU và Trung Quốc, ngành nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân có có kế hoạch sản xuất phù hợp, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, ứng dụng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả nâng suất cao gắn với bảo vệ môi trường cũng như mô hình nuôi tôm ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cấp mã số vùng nuôi cho các tổ chức, cá nhân, HTX để phục vụ truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.