Giá cà phê tăng ‘nóng’, cao nhất trong 15 năm. Hàng trăm lô cá tầm nhập khẩu ách tắc do khó giám định chủng loại. Không lo sầu riêng thừa hàng dội chợ trong ngắn hạn. Đồng Nai quyết dẹp các nghề khai thác tận diệt thủy sản.
Giá cà phê ngày 21/5 dao động trong khoảng 59.200 - 59.700 đồng/kg. Mức giá này tăng 10.000 đồng so với khoảng một tháng trước, và tăng 20.000 đồng so với cuối năm 2022. Ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, giá cà phê tăng nóng trong ba tháng qua, và đang ở mức cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Tuy vậy, hiện các doanh nghiệp không dễ tìm mua do nguồn hàng trong dân không nhiều. Thậm chí hãng tin Reuters dẫn thông tin một thương nhân kinh doanh cà phê khu vực Đông Nam Á cho hay, gần như không thể mua cà phê Việt Nam để thực hiện hợp đồng vào lúc này vì quá đắt đỏ và khan hiếm.
HÀNG TRĂM LÔ CÁ TẦM NHẬP KHẨU ÁCH TẮC DO KHÓ GIÁM ĐỊNH CHỦNG LOẠI
Theo văn bản vừa được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về nhập khẩu cá tầm, từ tháng 3/2021 đến nay, trong tổng số có 294 tờ khai hải quan nhập khẩu cá tầm, có 108 tờ khai đã thông quan. 186 tờ khai chưa thông quan trị giá gần 203 tỉ đồng bao gồm: 81 tờ khai đã lấy mẫu gửi giám định nhưng kết quả giám định của các cơ quan khoa học CITES do Bộ NN-PTNT chỉ định đều không đủ cơ sở để kết luận chủng loại cá tầm nhập khẩu; 105 tờ khai đã lấy mẫu nhưng chưa gửi giám định được do từ ngày 24/2/2022 không có đơn vị giám định nào tiếp nhận mẫu. Theo Bộ tài chính, việc nhập khẩu cá tầm hiện nay nổi lên 3 khó khăn, vướng mắc chính. Trong đó, khó xác định giống loài, chủng loại cá tầm nhập khẩu, việc bảo quản mẫu cá tầm để thực hiện giám định còn hạn chế, khó khăn trong việc xử lý đối với các tờ khai hải quan cá tầm chưa có kết luận giám định xác định giống loài, chủng loại.
KHÔNG LO SẦU RIÊNG THỪA HÀNG DỘI CHỢ TRONG NGẮN HẠN
Sau ĐBSCL, Các tỉnh Đông Nam bộ bắt đầu vào vụ sầu riêng. Trái với không khí ảm đạm nhiều năm trước, nhờ được mùa, được giá, bà con phấn khởi thu hoạch. Ghi nhận tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, thủ phủ sầu riêng của tỉnh Tây Ninh, toàn xã hiện có hơn 1.000 ha sầu riêng. Trong đó, hơn 50% diện tích cây từ 10 năm tuổi trở lên, năng suất ổn định từ 20-30 tấn/ha. Hiện giá sầu riêng tại vườn dao động từ 55.000 - 60.000. Sau khi trừ chi phí mỗi hécta bà con bỏ túi không dưới 500 triệu đồng/ha.Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, tổng diện tích sầu riêng của địa phương hiện có trên 3.000 ha, định hướng đến năm 2025, diện tích sầu riêng địa phương sẽ đạt 6.000 ha Nhờ chủ trương sản xuất theo phương thức thực hành nông nghiệp tốt, liên kết sản xuất. Trong ngắn hạn, địa phương không lo ngại “thừa hàng dội chợ” trong việc phát triển nóng cây sầu riêng hiện nay.
ĐỒNG NAI QUYẾT DẸP CÁC NGHỀ KHAI THÁC TẬN DIỆT THỦY SẢN
Tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, hiện vẫn còn hơn 170 hộ dân hành nghề khai thác thủy sản gồm: te (hay ủn dồn), đăng, lồng xếp, đáy... Đây là những nghề tận diệt nguồn lợi thủy sản, bị liệt vào nhóm bị nghiêm cấm trong đánh bắt thủy sản. Theo ông Châu Thanh An - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, toàn tỉnh còn khoảng hơn 400 hộ vẫn còn hành nghề cấm khai thác. Sở NN-PTNT đang tích cực phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh, Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai bắt giữ và tiêu hủy các ngư cụ bị cấm sử dụng này. UBND Đồng Nai cũng đưa ra Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ các ngư dân chấm dứt sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản và chuyển đổi nghề phù hợp. Theo đó, mức bồi thường tùy từng nghề được UBND tỉnh hỗ trợ từ 14 - 40 triệu đồng.