Giá lúa tươi lên mức 9.400 đồng/kg. Hải Dương vượt kế hoạch trồng cà rốt vụ đông. Nông sản Việt còn nhiều dư địa tại thị trường Đông Bắc Á. Dự báo giá xăng dầu giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh 21/11.
GIÁ LÚA TƯƠI LÊN MỨC 9.400 ĐỒNG/KG
Khai thác
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, vụ Thu Đông 2023, toàn tỉnh xuống giống hơn 157.000 ha, đến nay đã thu hoạch trên 50.000 ha, đạt hơn 32% diện tích xuống giống, năng suất bình quân ước đạt 57,8 tạ/ha. Ngoài diện tích liên kết sản xuất được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, số diện tích giá lúa tươi còn lại đều được nông dân bán cho thương lái và nhận tiền đặt cọc thỏa thuận trước thời điểm thu hoạch hơn 1 tháng nên bà con rất yên tâm.
Hiện, giá lúa tươi bán tại ruộng vụ Thu Đông dao động từ 8.900 - 9.400 đồng/kg tuỳ giống. Riêng nếp khô có giá từ 9.500 - 9.800 đồng/kg, cao hơn ít nhất từ 1.000 - 2.500 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh An Giang hiện còn hơn 100.000 ha diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường lúa gạo, bà con An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đều rất háo hức, kỳ vọng giá lúa tiếp tục duy trì ổn định để việc thu hoạch và tiêu thụ được thuận lợi.
HẢI DƯƠNG VƯỢT KẾ HOẠCH TRỒNG CÀ RỐT VỤ ĐÔNG
Khai thác
Tính đến khoảng giữa tháng 11, Hải Dương đã trồng 1.234 ha cà rốt vụ Đông, tương đương cùng kỳ năm trước và vượt hơn 30 ha so với kế hoạch toàn vụ. Trong đó, huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và TP. Chí Linh là 3 địa phương trọng điểm trong phát triển cây cà rốt.
Theo lịch thời vụ của tỉnh Hải Dương, cà rốt trồng từ 1/9 đến 15/10, tuy nhiên thời tiết hiện nay vẫn thuận lợi để gieo trồng cà rốt trà muộn nên bà con vẫn tiếp tục mở rộng diện tích, nhất là ở các trang trại cà rốt vùng đất bãi ven sông cả ở trong và ngoài tỉnh.
Cà rốt được xem là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Do đó, ngoài diện tích trồng cà rốt trong tỉnh, bà con nông dân của tỉnh Hải Dương còn thuê khoảng 1.000 ha đất ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình… để trồng cà rốt phục vụ xuất khẩu.
NÔNG SẢN VIỆT CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA TẠI THỊ TRƯỜNG ĐÔNG BẮC Á
Khai thác
9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang khu vực thị trường Đông Bắc Á đạt 10 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có các mặt hàng tiêu biểu là gạo 545 triệu USD, tăng 52,9%; rau quả đạt 3,2 tỷ USD, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện Đông Bắc Á là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Theo đó, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng rau quả với tỷ trọng 75% tổng xuất khẩu. Ngoài ra, đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm cao su và sắn với tỷ trọng lần lượt là 83% và 95,8% tổng xuất khẩu.
Theo Vụ Thị trường châu Á- Châu Phi (Bộ Công thương), thị trường Đông Bắc Á gồm 3 đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chiếm 48% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc Á vẫn tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022.
DỰ BÁO GIÁ XĂNG DẦU GIẢM NHẸ TRONG KỲ ĐIỀU CHỈNH 21/11
Khai thác
Theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng RON 95 có thể giảm 50 đồng/lít, xăng E5 RON 92 dự báo giảm 100 đồng/lít; giá dầu DO dự báo giảm từ 400 - 450 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh ngày 21/11 tới. Đà giảm của giá dầu thế giới cũng ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước được tham chiếu theo giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore.
Do vậy, giá cơ sở xăng dầu để tính tại phiên điều chỉnh ngày 21/11 vẫn còn những diễn biến trái chiều, nhưng xu hướng chung vẫn giảm. Cụ thể, dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 21/11, giá xăng RON 95 có thể giảm 50 đồng/lít, xăng E5 RON 92 dự báo giảm 100 đồng/lít; giá dầu DO dự báo giảm từ 400 - 450 đồng/lít. Việc tăng giảm của giá xăng dầu còn phụ thuộc vào việc nhà điều hành sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.