Giá ớt và dưa hấu tăng vọt nhờ xuất khẩu hồi phục. Nhãn hiệu “chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại 6 thị trường quốc tế. OECD dự báo Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt heo. Thả gần 200 động vật hoang dã về tự nhiên ở Quảng Bình.
GIÁ ỚT VÀ DƯA HẤU TĂNG VỌT NHỜ XUẤT KHẨU HỒI PHỤC
Hiện hoạt động thu mua giá ớt và dưa hấu của các thương lái đang diễn ra rất nhộn nhịp nhờ nhu cầu xuất khẩu lớn.Tại Gia Lai, ớt chỉ thiên được thu mua tại vườn có giá 47.000 đồng/kg. Giá ớt cũng nhích lên ở các tỉnh phía bắc và được thu mua từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Tại các tỉnh ĐBSCL, giá ớt dao động từ 28.000 - 32.000 đồng/kg. Một số doanh nghiệp cho biết, nhu cầu thu mua giá ớt và dưa hấu, đạt chuẩn để xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đang tăng lên. Trong khi đó cửa khẩu đường bộ đã bắt đầu thông thương, đẩy giá thu mua lên cao.Giá dưa hấu cũng đang lên cơn sốt khi thương lái tìm mua khắp nơi để gom hàng xuất khẩu và phục vụ nhu cầu tiêu thụ ở các tỉnh phía bắc. Hiện giá dưa hấu loại 1 tại vườn đã lên đến 10.000 đồng/kg, loại 2 từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần thời điểm cách đây 1 tháng.
NHÃN HIỆU “CHÈ THÁI NGUYÊN” ĐƯỢC BẢO HỘ TẠI 6 THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên và Hội Nông dân Thái Nguyên vừa tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể“Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc.Tính đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã chính thức được bảo hộ tại 6 thị trường trên thế giới, ngoài 3 thị trường vừa được công bố, còn có Đài Loan, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại các thị trường có tiềm năng xuất khẩu là một đòi hỏi cần thiết và thực tế hiện nay trong bối cảm các tranh chấp thương mại, dân sự tại thị trường nước ngoài ngày càng gia tăng.
OECD DỰ BÁO VIỆT NAM ĐỨNG THỨ 2 CHÂU Á VỀ TIÊU THỤ THỊT HEO
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường đang "đẩy" nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao, kéo theo giá heo hơi trong nước có xu hướng tăng. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD dự báo Việt Nam sẽ đứng thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt heo trong năm 2022 với khoảng 3,4 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030.Nói về quý 2, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng dự đoán sản lượng thịt gia súc và gia cầm sẽ đạt khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam dồi dào, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới.
THẢ GẦN 200 ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VỀ TỰ NHIÊN Ở QUẢNG BÌNH
Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội vừa thả gần 200 động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên ở rừng quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Khu vực thả thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái.Số động vật này gồm 135 con culi lớn, culi nhỏ, chim yểng, vẹt ngực đỏ, vẹt má vàng, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, dúi, mèo rừng, rái cá rùa, và 38,5 kg rắn các loại như hổ mang, sọc khoanh, cạp nong sọc dưa và rắn ráo... Phần lớn đều là loài nguy cấp, quý, hiếm