Giá phân bón thế giới hạ nhiệt. Phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên biển Đông. Doanh nghiệp chế biến điều thiếu nguyên liệu. Tiêu thụ tôm hùm nội địa ổn định nhờ du lịch.
GIÁ PHÂN BÓN THẾ GIỚI HẠ NHIỆT
Giá phân bón thế giới hiện đang cao hơn 13% so với mức đỉnh năm 2008, kéo theo giá các loại phân bón trong nước đều đồng loạt tăng mạnh từ đầu năm. Cụ thể, phân DAP tăng hơn 46%, phân MAP tăng hơn 44%, Urê tăng hơn 95%, Kali tăng hơn 102% so với năm ngoái.Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 29/4 là 1.034 USD/tấn, giảm 11% so với tuần trước đó và giảm 18,6% so với đỉnh giá hồi cuối tháng 3.Đây là dấu hiệu rất tích cực với thị trường được cả nông dân và doanh nghiệp mong chờ. Nhất là trong thời gian vừa qua, giá phân bón tăng cao khiến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện trở lại. Mới đây, Trong 09 mẫu phân bón của 4 cơ sở kinh doanh bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên lấy kiểm nghiệm chất lượng so với chỉ tiêu công bố trên bao bì sản phẩm thì có tới 04 mẫu vi phạm. Đặc biệt, có những mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm.
PHẢN ĐỐI LỆNH CẤM ĐÁNH BẮT CÁ CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG
Hội Nghề cá Việt Nam vừa có công văn công văn gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban ngành liên quan về việc phản đối phía Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, bao gồm một phần vùng biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/5. Hội Nghề cá Việt Nam nhận định, đây là hành động đơn phương của Trung Quốc, xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng phản đối và có những biện pháp ngăn chặn ngay lệnh cấm đánh bắt cá nêu trên của phía Trung Quốc nhằm bảo vệ tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản đặc trưng cho khu vực biển, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền,…
DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN ĐIỀU THIẾU NGUYÊN LIỆU
Theo Sở NN-PTNT Bình Phước, Năm nay điều trên địa bàn tỉnh mất mùa nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 50% so cùng kỳ. Ngoài ra, sản lượng điều nhập từ Campuchia giảm sâu trong khi việc vận chuyển, nhập khẩu điều từ châu Phi mất nhiều thời gian khiến nhiều doanh nghiệp chế biến điều trên địa bàn Bình Phước đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm nhân công và sản lượng do khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu sản xuất.Ngoài thiếu hụt nguyên liệu, hoạt động xuất khẩu điều cũng gặp nhiều khó khăn do tình hình bất ổn của kinh tế thế giới, quý I/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 105.000 tấn, thu về 630 triệu USD, giảm 6,7% về lượng, giảm 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Hiện toàn tỉnh Bình Phước có hơn 134.000ha điều với hơn 100 doanh và trên 400 cơ sở chế biến, xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia,vùng lãnh thổ và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động.
TIÊU THỤ TÔM HÙM NỘI ĐỊA ỔN ĐỊNH NHỜ DU LỊCH
Giá tôm hùm bông và tôm hùm xanh đang được thương lái thu mua ở mức từ 900.000 đồng đến hơn 1,7 triệu đồng/kg, tùy từng loại và kích cỡ khác nhau. Còn giá bán lẻ từ 1,3 đến gần 2 triệu đồng/kg. Tuy không cao như trước Tết Nguyên đán, nhưng giá thu mua cũng đang nhích lên, nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng khi ngành du lịch mở cửa trở lại.Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng tăng xấp xỉ 90% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch trong nước cũng tăng mạnh, nhất là du lịch đến các vùng biển sau những kỳ nghỉ lễ.Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP nhận định, tiêu thụ tại chỗ thông qua du lịch được xem là hướng đi mới, cần được đẩy mạnh , trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.