Giá tiêu tăng 14.000 đồng/kg trong một tuần. Nuôi vịt đẻ trứng dưới tán rừng ngập mặn. Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm 'Xoài Cù Lao Tây'. Xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu tăng trưởng mạnh.
(Tin 1) Giá tiêu tăng 14.000 đồng/kg trong một tuần
Minh Phúc khai thác
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, giá tiêu hôm nay trong khoảng 132 đến 134 nghìn đồng/kg. Tổng kết tuần,giá tiêu nội địa tăng 13.000 - 14.000 đồng/kg. Lo ngại nguồn cung và giá cước vận tải biển đang căng thẳng là những nguyên nhân đẩy giá tiêu tăng mạnh tuần này. Bên cạnh đó, những năm qua giá tiêu duy trì ở mức thấp khiến người trồng tiêu không mặn mà với loại cây này, dẫn tới diện tích sụt giảm. Nhiều vườn tiêu già cỗi bị thay thế bằng những loại cây trồng khác đặc biệt là sầu riêng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu trên toàn cầu tiếp tục hồi phục sau đại dịch Covid-19. Thị trường Trung Quốc bắt đầu quay trở lại nhập khẩu sau thời gian dài vắng bóng giúp nhu cầu tăng vọt.Tại tỉnh Đắk Lắk, giá tiêu được thu mua với mức 133.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 132.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
(Tin 2) Nuôi vịt đẻ trứng dưới tán rừng ngập mặn
Đinh Mười sx
Đông Hưng là một trong bốn xã vùng Chấn Hưng thuộc huyện Tiên Lãng, là nơi nuôi vịt đẻ trứng lớn nhất của thành phố Hải Phòng với tổng đàn thường xuyên trên 60.000 con. Trước đây, tận dụng cánh rừng ngập mặn rộng hơn 300ha, người dân chỉ nuôi theo phương pháp truyền thống, theo kinh nghiệm dân gian nên hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập bấp bênh.Từ khi tham gia nhóm nuôi vịt đẻ trứng trong rừng ngập mặn do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng khởi xướng, người dân được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nên đã mang lại hiệu quả rõ nét, mở ra những hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế.Bên cạnh việc được hỗ trợ vật tư, sản phẩm của bà con được Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên bao tiêu sản phẩm. Dự kiến mỗi hộ nuôi 1.000 vịt đẻ trứng sẽ cho lợi nhuận là hơn 100 triệu đồng trong 1 năm. Đây là nguồn thu nhập khá cao đối với người chăn nuôi.
(Tin 3) Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm 'Xoài Cù Lao Tây'
Văn Vũ sx
Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa chấp thuận cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Bình sử dụng tên địa danh “Cù Lao Tây” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cù Lao Tây”, đồng thời, phê duyệt Bản đồ khu vực địa lý để đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cù Lao Tây”.Theo đó, huyện tập trung vào việc thực hiện đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Xoài Cù Lao Tây” với quy mô hơn 1.157ha, sản lượng khoảng trên 14.000 tấn/năm, tập trung tại xã Cù Lao Tây. Bên cạnh đó, xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm thông qua việc tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các hộ sản xuất sản phẩm, áp dụng các quy trình tiên tiến trong nông nghiệp như: VietGap, sản xuất xoài an toàn, sản xuất xoài theo hướng hữu cơ...
(Tin 4) Xuất khẩu thủy sản của Bạc Liêu tăng trưởng mạnh
Văn Vũ khai thác
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu , tiếp tục đà phục hồi những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng mạnh, là điểm sáng giúp tỉnh lọt vào tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Cụ thể, số liệu từ Cục thống kê Bạc Liêu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2024 của tỉnh ước đạt hơn 370 triệu USD, bằng 32% kế hoạch và tăng 9,60% so với cùng kỳ. Trong đó tôm đông lạnh ước đạt 353,79 triệu USD, bằng 31,31% kế hoạch, tăng 6,93% so với cùng kỳ.Tỉnh Bạc Liêu hiện có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với công suất chế biến thiết kế gần 300.000 tấn/năm. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu, thâm nhập vào các thị trường "khó tính" như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới. Với giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Bạc Liêu.