Giá xăng dầu liên tiếp tăng kỷ lục làm nản lòng ngư dân vươn khơi. Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại thị trường Canada tăng đột biến. Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu tăng 50 USD/tấn. Ngành lúa gạo đối diện áp lực chi phí cao.
GIÁ XĂNG DẦU LIÊN TIẾP TĂNG KỶ LỤC LÀM NẢN LÒNG NGƯ DÂN VƯƠN KHƠI
Thời điểm này đang là vụ đánh bắt hải sản chính của ngư dân trong năm, tuy nhiên, trước việc giá xăng dầu liên tục tăng, trong khi giá hải sản bán ra chưa đạt kỳ vọng nên các chủ tàu cá ở nhiều địa phương trên cả nước nói chung đều có tâm lý ngại ra khơi đánh bắt xa bờ.Ông Phạm Văn Hứa - giám đốc Ban quản lý Cảng cá Trần Đề - cho biết giá xăng dầu gần đây tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến ngư dân. Sóc Trăng có 988 tàu khai thác thủy hải sản, trong đó 500 tàu đánh bắt xa bờ.Hiện có trên 30% tàu ghe ở Sóc Trăng thả neo nằm chờ cơ hội. Trong số này có nhiều tàu đang ngoài khơi, do đánh bắt thu hoạch thấp, chi phí xăng dầu cao nên neo tàu, không vào đất liền. Từ 15 giờ ngày 21/6, giá xăng dầu tiếp tục điều chỉnh tăng sau phiên điều hành của liên Bộ Tài chính - Công Thương.Theo đó Xăng RON95-III tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng/lít. Dầu Diesel tăng 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng/lít.Giá xăng liên tục tăng trong 7 kỳ điều hành gần đây và có mức tăng cao nhất trong 8 năm qua, kể từ tháng 7/2014.
NHU CẦU TIÊU THỤ CÁ NGỪ TẠI THỊ TRƯỜNG CANADA TĂNG ĐỘT BIẾN
Nhờ lợi thế từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Canada đang còn nhiều dư địa phát triển và dự kiến xuất khẩu sang thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, Canada là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ, và là nhà nhập khẩu lớn nhất trong khối CPTPP. Việt Nam đồng thời là nguồn cung cá ngừ lớn thứ hai cho thị trường Canada, sau Thái Lan, chiếm 12% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của nước này. Trong đó, cá ngừ đông lạnh Việt Nam đang là nguồn cung lớn nhất.Bên cạnh đó, với dân số gần 38,3 triệu người và chính sách thu hút người nhập cư của Canada, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người dân quốc gia này đang không ngừng tăng lên.
GIÁ TIÊU VIỆT NAM XUẤT KHẨU TĂNG 50 USD/TẤN
Hiệp hội Hồ tiêu thế giới vừa niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng 50 USD/tấn, tương ứng với 3.750 USD/tấn tiêu đen và 5.800 USD/tấn với tiêu trắng.Trong khi đó, thị trường hồ tiêu trong nước hiện giảm gần 10.000 đồng/kg tại các địa phương so với đầu năm và đang giữ ổn định ở mức 70.000 - 73.500 đồng/kg. Trái ngược với những dự đoán lạc quan đầu vụ về năng suất giảm, các nước mở cửa sau Covid-19, Việt Nam được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do... giá hồ tiêu trên bình diện thế giới và nội địa lại liên tiếp lao dốc.
NGÀNH LÚA GẠO ĐỐI DIỆN ÁP LỰC CHI PHÍ CAO
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu gần 2,77 triệu tấn gạo, tương đương hơn 1,35 tỉ USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị. Nguyên nhân chủ yếu là do giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm chỉ đạt 489 USD/tấn, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng đã đẩy giá vật tư tăng cao. Trong đó, tăng mạnh nhất là phân bón hóa học như: phân urê tăng 136%-143%, phân DAP tăng 143%-164%, kali tăng 180%-200% so với tháng 12-2021. Giá thuốc bảo vệ thực vật dù tương đối ổn định nhưng vẫn tăng ở nhóm hoạt chất thuốc trừ cỏ không chọn lọc và thuốc trừ sâu. Những yếu tố này làm giá thành sản phẩm nông nghiệp cũng tăng theo.