Hơn 348 tỷ đồng sửa chữa đập ngăn mặn, giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Đê sông Càn lún, nứt, hàng trăm người dân bị đe dọa. Tỷ lệ tàu cá Hà Tĩnh có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đạt rất thấp. Bạc Liêu: Giá tôm giảm thấp nhất 10 năm qua.
Đê sông Càn lún, nứt, hàng trăm người dân bị đe dọa
Quốc Toản sx
Tuyến đê sông Càn đoạn chảy qua địa phận thôn 4, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn bị lún, nứt nghiêm trọng. Chiều dài đoạn đê bị lún, nứt lên tới 150m tính từ cống Ba Bì đến cống Đình. Điểm đê xung yếu tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân có chiều dài hơn 30m. Theo quan sát, hàng chục điểm trên mặt đê, mái đê bị đứt gãy có chiều rộng từ 5-7cm, cá biệt có đoạn lên tới 20cm kéo dài khoảng 3 đến 5m.
Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tuyến đê. Hiện nay, đơn vị có trách nhiệm đã huy động máy móc, thực hiện san gạt, đắp nền và gia cố tuyến đê.
Được biết, cũng trên địa bàn xã Nga Điền cách đây không lâu, tuyến đê sông Càn cũng bị sạt lở nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm, mất an toàn khi có mưa bão, thiên tai.
Hơn 348 tỷ đồng sửa chữa đập ngăn mặn, giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á
Công Điền sx
Công trình đập Thảo Long, xã Phú Thanh (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) được đưa vào khai thác từ năm 2008; có chức năng đập ngăn mặn, giữ ngọt và phối hợp điều tiết, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, dân sinh cho toàn bộ vùng hạ du sông Hương.
Sau 15 năm đưa vào sử dụng, một số thiết bị cơ khí bị thủng, oxy hóa, hệ thống điện phục vụ vận hành đập ngăn mặn xuống cấp không đảm bảo yêu cầu sử dụng. Phần thủy công, dầm đáy bằng bê tông phục vụ ngăn mặn giữ ngọt cũng bị xói mòn gây rò rỉ nước…
Nhằm đảm bảo an toàn công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng, Bộ NN-PTNT quyết định đầu tư hơn 348 tỷ đồng thực hiện Dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn đập Thảo Long thuộc Dự án sửa chữa cấp bách đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước. Dự án được giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. đập ngăn mặn
Bạc Liêu: Giá tôm giảm thấp nhất 10 năm qua
Văn Vũ
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá tôm liên tục giảm và kéo dài đã khiến người nuôi tôm trên địa bàn Bạc Liêu gặp khó trong việc duy trì sản xuất, nhất là đối với các hộ dân nuôi tôm ao đất, ít vốn.
Cụ thể, tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4-18%. So với quý 1/2023, giá tôm thẻ chân trắng giảm từ 11 đến 36 ngàn đồng/kg. Cùng đó, giá tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng/kg và loại 40 con/kg giảm 45.000 đồng/kg.
Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho biết, giá tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Người nuôi tôm hiện nay đang rất lo lắng. Với những người đã thu hoạch xong đang phân vân có nên thả nuôi tiếp hay treo ao, chờ giá lên. Còn những hộ nuôi đang còn tôm trong ao, khả năng lỗ rất cao, tôm kích cỡ càng lớn, lỗ càng cao.
Tỷ lệ tàu cá Hà Tĩnh có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đạt rất thấp
Thanh Nga sản xuất
Theo số liệu Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh mới chỉ có 150 trong tổng số 539 tàu cá có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hạn sử dụng. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi ngư dân thực hiện ra khơi, đánh bắt trên biển.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hạn sử dụng đạt thấp chủ yếu là do trình độ, hiểu biết của ngư dân về các quy định của pháp luật chưa cao; một số tàu thực hiện công tác đăng kiểm tại tỉnh bạn hoặc các trung tâm đăng kiểm tư nhân mà chưa được cập nhật dữ liệu lên hệ thống VNFishbase...; hoạt động đánh bắt ngày càng khó khăn nên ngư dân không còn tham gia khai thác hải sản nhưng vẫn chưa làm thủ tục xóa đăng ký, đăng kiểm tàu cá.