Giải quyết vướng mắc về biến động giá gạo, chênh lệch phân khúc thị trường. Lúa được giá, nông dân Sơn La thu hoạch sớm. Người dân Đà Nẵng dọn dẹp lại nhà cửa sau khi nước rút. Nông dân Sa Đéc kém mặn mà vụ hoa Tết.
Giải quyết vướng mắc về biến động giá gạo, chênh lệch phân khúc thị trường
Quỳnh Chi
Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 - năm 2023 là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức, với hơn 1.500 đại biểu tham gia.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI gửi thông điệp tới Đại hội: “Lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn nửa dân số thế giới. Đảm bảo nguồn cung, phân phối gạo bền vững, giá cả phải chăng là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị xã hội ở nhiều quốc gia. Tương lai không có nạn đói đòi hỏi nỗ lực tập thể, cần tất cả các quốc gia cùng hợp tác”.
Đại hội Lúa gạo quốc tế lần này giới thiệu các phương pháp khoa học về di truyền, nhân giống lúa, canh tác kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ viễn thám… Bên cạnh đó, các nhà quản lý sẽ thảo luận về chính sách, qua đó giải quyết vướng mắc về dao động giá gạo, phân khúc thị trường chênh lệch.
LÚA ĐƯỢC GIÁ, NÔNG DÂN SƠN LA THU HOẠCH SỚM
Quang Linh – tin sản xuất mới
Nhằm bảo đảm cây vụ đông sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất, bà con nông dân ở các địa phương khu vực phía Bắc đã thu hoạch lúa mùa sớm để giải phóng đất trồng cây vụ đông năm 2023.
Không chỉ khu vực đồng bằng có giá lúa cao ngất ngưởng mà tại các địa phương miền núi như Sơn La, giá lúa cũng tăng rất mạnh. Ghi nhận tại địa phương này, giá lúa đang giao động từ 11.000 – 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo Nương Sơn La được bán tại chợ nằm trong khoảng từ 18.000 – 20.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hơn khoảng 20% so với nhiều năm trở lại đây.
Hiện nay, bên cạnh việc cung cấp lương thực ổn định, canh tác lúa còn là hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Người dân Đà Nẵng dọn dẹp lại nhà cửa sau khi nước rút
Lê Khánh sx
Sau khi mưa ngớt, nước rút, người dân ở vùng “rốn ngập” của thành phố Đà Nẵng tại đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu lại tất bật dọn dẹp lại nhà cửa, chùi rửa bùn đất bám vào các vật dụng để ổn định lại cuộc sống.
Từ ngày 12 đến ngày 15/10, tại khu vực này có mưa rất to, đặc biệt vào đêm ngày 13 đến rạng sáng ngày 14/10, mưa lớn khiến cho nước tràn vào nhà của các hộ dân, có nơi ngập sâu đến hơn 1 mét.
Theo UBND phường Hòa Khánh Nam, qua thống kê, đợt mưa vừa qua đã khiến cho khoảng 4.000 căn nhà ở đây bị ngập.
Dự báo từ ngày 16/10 đến hết ngày 17/10, Đà Nẵng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 80mm đến 150 mm, có nơi trên 200 mm.
Nông dân Sa Đéc kém mặn mà vụ hoa Tết
Văn Vũ sx
Thời điểm này người dân tại làng hoa Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp đang tất bật xuống giống hoa phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đánh giá của chủ cơ sở sản xuất cây giống, các đơn vị đặt mua cây giống phục vụ thị trường tết năm nay giảm khoảng 30% trong khi giá cây giống tăng từ 5-10% so với năm 2023, nguyên nhân do chi phí vật tư phân bón và nhân công lao động tăng.
Làng hoa Sa Đéc được xem là một trong những làng hoa nổi tiếng và lớn nhất tại khu vực ĐBSCL, nơi đây có trên 2.000 hộ dân sống bằng nghề kinh doanh, sản xuất hoa kiểng quanh năm với diện tích trồng trên 500ha. Làng hoa ngoài cung ứng cho thi trường trong tỉnh còn cung ứng ra khắp các tỉnh khu vực ĐBSCL, TP.HCM và Hà Nội, với số lượng hàng triệu cây giống mỗi năm.