Giám sát đặc biệt dịch bệnh trên tôm nuôi. Nhập khẩu tiêu từ Campuchia tăng trên 700%. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng 5 USD/tấn. Giá phân bón tăng cao nhưng nguồn cung vẫn dồi dào.
GIÁM SÁT ĐẶC BIỆT DỊCH BỆNH TRÊN TÔM NUÔI
Sáng 11/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị Phát triển ngành tôm và ký quy chế phối hợp quản lý tôm giống nước lợ năm 2022”. Đánh giá cao những đóng góp tích cực của ngành tôm vào sự phát triển chung của lĩnh vực thủy sản trong năm vừa qua, nhưng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành tôm vẫn còn nhiều hạn chế, đơn cử như như hạ tầng sản xuất còn lạc hậu, tỷ lệ nuôi tôm công nghệ cao chỉ đạt khoảng 10%. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần đề cao tầm quan trọng của việc giám sát đặc biệt dịch bệnh trên tôm nuôi cũng như công tác tuần tra, kiểm soát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm làm ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín vùng nuôi. Ngoài ra, nếu không có bước giải quyết căn cơ dịch bệnh trên tôm chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật không thể nâng cao sức cạnh tranh cho con tôm, chặng đường chuyển từ nền “nông nghiệp nâu” sang “nông nghiệp xanh”, chắc chắn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong năm 2022, ngành tôm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, tăng 2,56% so với năm 2021.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - VPA, trong tháng 2 năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 3.192 tấn tiêu, so với 1 tháng trước đó, lượng nhập khẩu đã tăng hơn 102%. Trong đó, nhập khẩu từ Brazil tăng 251% và từ Campuchia tăng 144%.Tính chung 2 tháng đầu năm, nước ta đã nhập khẩu 4.771 tấn tiêu, giảm 10,2% so với cùng kỳ 2021. Brazil vẫn Campuchia vẫn là 2 quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam, trong đó nhập khẩu từ Brazil tăng 9,2%, từ Campuchia tăng 743,7%.Sản lượng hồ tiêu của các tỉnh biên giới Campuchia, giáp với Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm. Dù tổng số lượng này chỉ bằng 1/10 sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, nhưng cũng có thể giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu tính toán được các đơn hàng trong thời gian tới, trước tình trạng thiếu nguồn cung hồ tiêu.
GIÁ GẠO VIỆT NAM XUẤT KHẨU TĂNG 5 USD/TẤN
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 11/3 vừa được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn ở một số mặt hàng. Theo đó, gạo 5% tấm hiện ở mức 408 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm 383 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; Gạo 100% tấm ổn định ở mức 338-342 USD/tấn và Jasmine ở ngưỡng 508-512 USD/tấn.Trong khi đó, giá lúa hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng 400 đồng/kg ở một số mặt hàng, hiện đạt 5.500 - 6.000 đồng/kg.
GIÁ PHÂN BÓN TĂNG CAO NHƯNG NGUỒN CUNG VẪN DỒI DÀO
Giá nhiều loại phân bón tại vùng ĐBSCL đã tăng từ 20.000-60.000 đồng/bao 50kg so với cách nay hơn 2 tuần, nhưng nguồn cung vẫn rất dồi dào, không xảy ra hiện tượng khan hiếm. Cụ thể, giá các loại phân Urê của các nhà sản xuất như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Urê Ninh Bình và một số loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc được bán lẻ tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở mức 860.000-940.000 đồng/bao, tăng 30.000 – 40.000 đồng/bao. Còn giá phân bón Kali nhập khẩu Canada, Israel, Belarus… đã tăng khoảng 40.000 – 60.000 đồng/bao và đang ở mức 890.000-950.000 đồng/bao. Trong khi đó, DAP nhập khẩu từ Nga loại hạt đen hiện có giá 1.300.000-1.350.000 đồng/bao. Để giảm chi phí sản xuất, nông dân tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang tích cực sử dụng các loại phân bón hữu cơ, giảm sử dụng các loại phân bón hóa học, áp dụng các tiến bộ kỹ thutaaj để giảm giống, giảm phân bón theo khuyến nghị hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.