Giảm thiểu kháng kháng sinh là nhiệm vụ rất quan trọng với Việt Nam. Người nuôi tôm ở Thanh Hóa lao đao vì nắng nóng. Đại học Cửu Long đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 2. Doanh nghiệp nông nghiệp vướng rào cản chính sách sử dụng đất.
GIẢM THIỂU KHÁNG KHÁNG SINH LÀ NHIỆM VỤ RẤT QUAN TRỌNG VỚI VIỆT NAM
Sáng 22/06, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi tiếp và làm việc với Đoàn cấp cao Tổ Chức Lương Thực Và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc – FAO do ông Thanawat Tiensin – Giám đốc Ban chăn nuôi và Thú y dẫn đầu. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao cách tiếp cận một sức khỏe, trong đó giảm thiểu kháng kháng sinh là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với Việt Nam để ngăn chặn dịch bệnh lây sang người Thứ trưởng cũng mong muốn hợp tác giữa Việt Nam và FAO, nhất là Trung tâm khẩn cấp phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới triển khai một cách đồng bộ, cụ thể và trên quy mô lớn hơn. Ông Thanawat Tiensin dự báo trong 20 năm, sản lượng chăn nuôi tại khu vực châu Á và châu Phi sẽ tăng hơn 20%. Trong bối cảnh đó, sự nỗ lực của Việt Nam trong việc sản xuất vacxin, nâng cao năng lực thú y và vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, an ninh lương thực. Thông qua cơ chế hợp tác Nam – Nam đang nghiên cứu để sớm thành lập quỹ Ủy ban đa phương để các quốc gia thành viên của FAO tại khu vực châu Á có nguồn lực thúc đẩy, xây dựng hệ thống nông, lâm, nghiệp, chăn nuôi và thú y.
NGƯỜI NUÔI TÔM Ở THANH HÓA LAO ĐAO VÌ NẮNG NÓNG
Theo UBND xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp tại địa phương đang chịu áp lực lớn vì thời tiết nắng nóng kéo dài cộng với việc cắt điện luân phiên. Có khoảng 10ha ao nuôi bị bỏ không. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân phải thu hoạch tôm sớm để tránh thiệt hại và cắt lỗ… Sở NN-PTNT Thanh Hóa khuyến cáo, để bảo vệ đối tượng thủy sản nuôi, đặc biệt đối với con tôm, cần duy trì mực nước trong ao từ 1,2 đến 1,5m; sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước; tăng cường sức đề kháng cho tôm; hạn chế đánh bắt và vận chuyển tôm khi thời tiết nắng nóng.
ĐẠI HỌC CỬU LONG ĐẠT CHUẨN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CHU KỲ 2
Đại học Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) vừa tổ chức Lễ đón nhận quyết định và chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục chu kỳ 2 và 3 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, đại học. Đại học Cửu Long hiện đang đào tạo nhiều ngành chuyên sâu về nông nghiệp như: Nông học; Bảo vệ thực vật; Nuôi trồng thủy sản; Thú y với hàng ngàn sinh viên ra trường mỗi năm, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. PGS.TS. Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết: Việc nhà trường đạt chuẩn chất lượng kiểm định quốc gia giai đoạn 2023 - 2028 là minh chứng cho chất lượng đào tạo của nhà trường. Cũng trong chương trình, ĐH Cửu Long đã kí kết hợp tác với các đối tác, trong đó có Báo Nông nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy các nghiên cứu, phản biện khoa học và thực tập cho sinh viên của trường.
DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP VƯỚNG RÀO CẢN CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 22/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, HTX, các nhà đầu tư trong lĩnh vực năm 2023 Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, để 5-10 năm tới, TP.HCM có một lực lượng trẻ làm nông nghiệp với công nghệ cao, công nghệ AI thì cần ươm tạo một thế hệ thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay để các thanh niên khởi nghiệp nông nghiệp là chính sách sử dụng đất để xây dựng nhà màng, nhà lưới. Bởi diện tích sử dụng đất để chuyển đổi làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị của thành phố chưa tới 1%. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM đặt mục tiêu, đến năm 2030, phải chuyển đổi trên 10% quỹ đất trong tổng số 60.000hecta đất sản xuất nông nghiệp thì mới có thể phát triển nông nghiệp bền vững.