Hà Nội tổ chức Lễ hội quà tặng du lịch 2022 tại phố đi bộ. Ninh Thuận kiên quyết xử lý lồng bè sai phạm. Nhiều doanh nghiệp thủy sản có lợi nhuận khủng trong quý I/2022. Nghệ An đẩy mạnh du lịch canh nông.
HÀ NỘI TỔ CHỨC LỄ HỘI QUÀ TẶNG DU LỊCH 2022 TẠI PHỐ ĐI BỘ
Dịp lễ 30/4 – 1/5, người dân và khách du lịch Hà Nội được trải nghiệm tham quan những gian hàng quà lưu niệm độc đáo tại Lễ hội Quà tặng Du lịch 2022. Tiếp nối Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022 với chủ đề Get on Hanoi 2022 và hưởng ứng Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 12 đến 23/5, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Quà tặng Du lịch 2022, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội, kích cầu du lịch. Diễn ra từ ngày 29/4 đến 1/5 tại khu vực tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, từ cổng chào đường Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền - Hàng Khay đến vườn hoa đền Bà Kiệu, điểm nhấn của sự kiện là 100 gian hàng quà tặng của các nghệ nhân được thiết kế sáng tạo mang đến bất ngờ cho du khách Lễ hội Quà tặng Du lịch 2022.
NINH THUẬN KIÊN QUYẾT XỬ LÝ LỒNG BÈ SAI PHẠM
Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, trung bình mỗi ngày, lượng thức ăn dư thừa, dư lượng thuốc thú y thủy sản và rác thải sinh hoạt của hơn 500 lao động trên các lồng bè này đổ xuống khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chử là rất lớn, làm mất vệ sinh, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch biển. Trước tình hình trên, UBND TP. Phan Rang-Tháp Chàm cũng đã nhiều lần phối hợp với các sở ngành cấp tỉnh và các địa phương có liên quan ra quân tuyên truyền, vận động kết hợp xử lý nghiêm các hộ nuôi vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ nuôi lồng bè thủy sản không chấp hành, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường biển. Tính đến ngày 30/4, khu vực này có trên 80 bè nuôi vẫn chưa chấp hành việc di dời, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành ra quân tuyên truyền kết hợp lập biên bản để có cơ sở ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế các hộ không chấp hành.
NHIỀU DOANH NGHIỆP THỦY SẢN CÓ LỢI NHUẬN KHỦNG TRONG QUÝ I/2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước đạt 900 triệu USD, đưa lũy kế quý I/2022, đạt 2,52 tỷ USD, tăng trên 45% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu nhờ cá tra đang trên đà hồi phục mạnh khi 3 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 646 triệu USD (tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái). Đối với nhóm mặt hàng tôm, trong quý đầu năm nay đạt trên 900 triệu USD (cao hơn 37% so với năm ngoái), chiếm 37% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thống kê cho thấy, quý I/2022, 10 doanh nghiệp thủy sản có mức tăng trưởng trung bình 57,4%. Điển hình phải kể đến Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn (mã cổ phiếu VHC) đã công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu đạt 3.276 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với số lãi 131,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL) ghi nhận doanh thu quý I đạt 325,4 tỷ đồng, sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lãi sau thuế đạt 62,6 tỷ đồng, tăng gấp gần 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Với khởi đầu thuận lợi như vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khá lạc quan khi đặt kế hoạch sản xuất - kinh doanh 2022 tăng mạnh so với năm 2021.
NGHỆ AN ĐẨY MẠNH DU LỊCH CANH NÔNG
Xác định 3 dòng sản phẩm du lịch chính, những năm gần đây, cùng với du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, Nghệ An chủ trương đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với canh nông. Việc UBND tỉnh Nghệ An và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản tại Việt Nam ký kết biên bản hỗ trợ về đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp vào cuối năm 2015, được coi là một dấu mốc khá quan trọng để từ đó, loại hình du lịch canh nông bắt đầu được quan tâm phát triển. Một số mô hình du lịch canh nông đã được đề xuất, đưa vào phát triển thành các tour, tuyến như mô hình trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại rau sạch FVF kết hợp tham quan các đồi hoa tại huyện Nghĩa Đàn; mô hình tham quan HTX sen quê Bác, homestay ở Kim Liên, vườn hồng Nam Đàn. Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Nghệ An cho biết, địa phương có hơn 83% diện tích là đất đồi núi, nông thôn, tiềm năng từ phát triển du lịch canh nông là rất lớn. Đặc biệt, với các huyện miền núi dọc Quốc lộ 7 và QL 48, rất hấp dẫn du khách với bản sắc độc đáo của bà con vùng dân tộc thiểu số. Hiện lãnh đạo tỉnh đang tập trung đẩy mạnh, quảng bá, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch cho vùng miền Tây xứ Nghệ, gắn với các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của bà con.