Nông sản Việt xuất khẩu sang Hoa Kỳ duy trì ổn định. Hải Dương: Một huyện có 65% diện tích áp dụng máy móc gieo cấy. Nghệ An có gần 1.000 trang trại đảm bảo quy mô chăn nuôi. Cà Mau phấn đấu xuất khẩu tôm đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2025.
NÔNG SẢN VIỆT XUẤT KHẨU SANG HOA KỲ DUY TRÌ ỔN ĐỊNH
Theo Bộ NN-PTNT, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1/2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Về nguyên nhân giá trị xuất khẩu giảm ngay trong tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thứ nhất là do sức mua giảm, thứ hai là giá giảm cho dù sản lượng có tăng.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD trong năm nay sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Tuy mới chỉ một tháng, nhưng chúng ta cần đến hệ thống giải pháp để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời về đích mục tiêu của năm. Một số giải pháp được đưa ra là tập trung vào một số thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Philippines… cũng như mở ra một số thị trường mới. Trước nguy cơ xảy ra đối đầu thương mại của các quốc gia trên thế giới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn được duy trì ổn định.
HẢI DƯƠNG: MỘT HUYỆN CÓ 65% DIỆN TÍCH ÁP DỤNG MÁY MÓC GIEO CẤY
Nguyễn Thủy
Những ngày này, dự báo thời tiết nhiều nơi tại Hải Dương có nắng ấm, nhiệt độ cao nhất lên đến gần 20 độ C. Người dân nô nức ra đồng gieo cấy trà muộn vụ đông xuân. Tại huyện Bình Giang, Phòng NN-PTNT huyện này cho biết, năm nay, tình hình lấy nước đổ ải gặp 1 số bất lợi do diện tích canh tác của tỉnh thuộc cuối nguồn nước ở hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm. Cùng với đó, lịch lấy nước vụ Đông Xuân năm nay được rút xuống chỉ còn 2 đợt, đợt 1 chỉ diễn ra trong 5 ngày cộng thêm thời tiết bất lợi, nên huyện Bình Giang đã chủ động lùi lịch gieo cấy muộn hơn từ ngày 10-25/2 để tránh rét. Ghi nhận đến 11/2, 90% diện tích của huyện này đã được lấy đủ nước.
Vụ Đông xuân 2025, huyện Bình Giang gieo cấy khoảng 6000ha. Hiện, tất cả các xã, thị trấn của huyện đều đã xây dựng được áp dụng cơ giới hóa, mô hình cấy máy, huyện phấn đấu diện tích áp dụng máy móc cơ giới hóa gieo cấy lên đến 65%, cao nhất tỉnh.
NGHỆ AN CÓ GẦN 1.000 TRANG TRẠI ĐẢM BẢO QUY MÔ CHĂN NUÔI
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 987 trang trại chăn nuôi, theo quy mô của Luật Chăn nuôi, bao gồm 37 trang trại quy mô lớn, 340 trang trại quy mô vừa, 610 trang trại quy mô nhỏ. Những năm qua, các nhà đầu tư đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn, tự động hóa dây chuyền, xử lý ô nhiễm, quản lý giống. Tất cả các công đoạn được triển khai bài bản, chặt chẽ. Điều này góp phần nâng tầm ngành chăn nuôi của địa phương từng bước chuyển dịch theo hướng chuỗi giá trị bền vững.
CÀ MAU PHẤN ĐẤU XUẤT KHẨU TÔM ĐẠT 1,2 TỶ USD VÀO NĂM 2025
Văn Vũ
Là địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, tỉnh Cà Mau đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành tôm bền vững, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2025. Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, tỉnh hiện có hơn 280.000 ha nuôi tôm, chiếm khoảng 40% diện tích cả nước. 2024 là năm thứ 4 liên tiếp xuất khẩu tôm Cà Mau đạt hơn 1 tỷ USD. Năm 2025 ngành tôm Cà Mau kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Để đạt được mục tiêu, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành thủy sản.