Trao Kỷ niệm chương cho Phó Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam. Hải Phòng tiêu hủy 3 tấn lợn bị dịch tả lợn Châu Phi. Đưa Lạng Sơn lên bản đồ xuất khẩu nông sản. Khuyến cáo người dân ‘nuôi nước trước khi nuôi tôm’.
Trao Kỷ niệm chương cho Phó Trưởng Đại diện Unicef tại Việt Nam
Thảo Phương sx
Để ghi nhận những công lao của bà Bà Lesley Miller - Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong suốt 6 năm nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, Sáng nay, tại Hà Nội, thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã trao Kỷ niệm chương cho Bà Lesley Miller.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, những đóng góp của bà Lesley Miller, đặc biệt trong công tác phát triển, xây dựng nông thôn mới bền vững và phòng, chống thiên tai.
Thứ trưởng mong rằng, tới đây, bà Lesley Miller không chỉ bàn giao khối lượng công việc cho người kế nhiệm vị trí Phó trưởng đại diện, mà còn truyền cảm hứng, đam mê, kinh nghiệm để có thể tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa
Đáp lại tình cảm của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bà Lesley Miller khẳng định với cương vị nào, và nhận nhiệm vụ ở đâu, bà sẽ luôn ủng hộ Việt Nam.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, đây là ổ dịch cũ từng có lợn phải tiêu hủy năm 2019.
Ổ dịch bắt đầu xuất hiện tại hộ bà Vũ Thị Bông, thôn Đồng Rồi từ ngày 5/5, rồi lây lan sang các hộ khác với các triệu chứng tương tự: Sốt cao, thân lợn phát ban đỏ từng mảng, đặc biệt vùng lưng, lợn bỏ ăn, táo bón, mắt sưng, chết rải rác.
Tính đến ngày 7/6, trên địa bàn xã Ngũ Đoan, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 4/6 thôn, 10/99 hộ có lợn bị dịch, phải tiêu hủy 75 con lợn với số lượng gần 3 tấn.
Để ngăn chặn dịch bệnh, UBND TP Hải Phòng cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và chính quyền các địa phương chủ động phòng chống và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch.
Đưa Lạng Sơn lên bản đồ xuất khẩu nông sản
Bảo Thắng sx
Tại Hội nghị phổ biến các quy định về SPS trong hiệp định RCEP, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng sơn Hoàng Văn Chiều cho biết, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập và lợi nhuận cho người nông dân.
Ở vị trí cửa ngõ thông thương với Trung Quốc, việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật trong hiệp định RCEP rất quan trọng với Lạng Sơn, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam đồng tình với quan điểm này, và cho biết thêm, Lạng Sơn có thế mạnh về kinh tế cửa khẩu, nhưng tỷ lệ người dân sống dựa vào nông lâm nghiệp thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Thông qua hội nghị sáng 7/6, ông Nam hy vọng các tổ chức, cá nhân tại Lạng Sơn và địa phương lân cận có hiểu biết toàn diện và sâu sắc hơn về xuất nhập khẩu, đồng thời chung tay đưa Lạng Sơn từng bước lên bản đồ xuất khẩu nông sản của cả nước.
Khuyến cáo người dân ‘nuôi nước trước khi nuôi tôm’
Văn Vũ sx
Nghề nuôi tôm hiện nay tại tỉnh Sóc Trăng đang gặp phải nhiều thách thức khó khăn, nổi bật nhất là vấn đề môi trường.
Tính đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt khoảng 15.000 ha. Hiện tại yếu tố độ mặn ngoài tự nhiên dao động cao tùy theo con nước nên ngành chuyên môn đề nghị người nuôi cần thường xuyên đo đạc môi trường, chuẩn bị ao lắng, ao chứa để sẵn sàng lấy nước vào ao nuôi khi có độ mặn thích hợp từ 5‰ trở lên. Để đảm bảo một vụ sản xuất thành công, ngành thủy sản của địa phương khuyến cáo người nuôi cần thực hiện tốt phương châm “nuôi nước trước khi nuôi tôm” để đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh.