Hàn Quốc đề xuất hợp tác xử lý nước thải trong sản xuất nông nghiệp. Giống ngô CP511 đồng loạt chết khô bất thường khi chuẩn bị thu hoạch. Hơn 100 ha tôm nuôi ở Quảng Nam chết do nhiễm bệnh. Thành lập Nhóm Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo.
Hàn Quốc đề xuất hợp tác xử lý nước thải trong sản xuất nông nghiệp
Thảo Phương – Hoài Thơ sx
Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Choi Youngsam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tại buổi gặp mặt, Ngài Choi Youngsam, nhận định, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia được phía Hàn Quốc hỗ trợ nguồn vốn ODA nhiều nhất. Việc trao đổi nông sản giữa hai nước đã tạo ra nhiều giá trị. Đơn cử, năm 2023, Hàn Quốc đã nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam hơn 2 tỷ USD.
Liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp, Hàn Quốc có công nghệ kĩ thuật tiên tiến trong việc xử lý nước thải, và mong muốn hơp tác với Việt Nam. Ngoài ra, giữa Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số để hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Đáp lại những đề xuất của ngài đại sứ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiến nghị Hàn Quốc quan tâm thúc đẩy hợp tác đối với 6 lĩnh vực trọng điểm, cụ thể là phát triển du lịch sinh thát nông nghiệp, chuyển đổi số, phát triển kĩ thuật nông nghiệp thông minh, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện chuỗi cung ứng nông sản và xây dựng ngân hàng dữ liệu thương mại nông sản xử lý nước thải.
Giống ngô CP511 đồng loạt chết khô bất thường khi chuẩn bị thu hoạch
Thanh Nga sx
Hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn các huyện Hương Khê, Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đang đứng ngồi không yên khi hơn 70 ha ngô sản xuất giống CP511, do Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam cung ứng bất ngờ chết khô hàng loạt khi chỉ cách ngày thu hoạch từ 10 – 15 ngày. Khu vực bị thiệt hại nặng tập trung ở các xã Hương Xuân, Hà Linh, Điền Mỹ, Phú Gia, Hương Vĩnh, Hương Giang, Hương Đô, với tổng diện tích 66ha; huyện Vũ Quang rải rác ở các xã với diện tích hơn 25 ha.
Trước đó, ngày 21/3 người dân huyện Hương khê phát hiện giống ngô CP511 trà đông muộn, xuân sớm năm 2024 có hiện tượng khô cây trong giai đoạn hạt ngô chín sáp, khiến cho bắp ngô không thể phát triển, thiệt hại nặng đến năng suất, sản lượng; trong khi đó, các giống ngô khác dù có hiện tượng bị nhiễm bệnh nhưng diện tích ít, quy mô nhiễm nhỏ.
Hơn 100 ha tôm nuôi ở Quảng Nam chết do nhiễm bệnh
Lê Khánh sx
Vụ tôm nước lợ đầu năm 2024, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục hứng chịu thiệt hại khi tôm nuôi bất ngờ nhiễm bệnh chết hàng loạt. Trong đó, diện tích tôm chết nhiều nhất tập trung ở các địa phương như huyện Duy Xuyên, thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ.
Đến nay, đã có trên 100ha ao nuôi tôm chết do nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng. Tôm chết ở thời điểm sau thả giống từ 15 ngày đến 1 tháng nên kích cỡ còn nhỏ. Do đó, chủ hồ chỉ còn cách vứt bỏ, vệ sinh lại ao hồ để nuôi lại cho kịp lịch thời vụ.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có khoảng 2.600ha diện tích nuôi tôm nước lợ chủ yếu ở vùng triều ven sông. Các khu vực nuôi tôm vẫn nham nhở theo hình thức tự phát. Hệ lụy dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Thành lập Nhóm Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo
Văn Vũ sx
Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT) vừa phối hợp với Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV) tổ chức Hội thảo hợp tác công tư phục vụ triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) đánh giá, việc thành lập nhóm công tác Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư, hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Tin dự phòng
Đổi mối ngành muối và thủy sản Bạc Liêu
Trọng Linh sx
Ngày 3/4, Tập đoàn Hoàng Phát và Công ty AGRI VIET đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu để trình bày sáng kiến mới đối với ngành Muối và Thủy sản. Đây là một trong những sáng kiến để nâng tầm Bạc Liêu thông qua nền kinh tế xanh
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì hội nghị. Tham gia có các Sở, ngành và địa phương liên quan để lắng nghe các đối tác đến từ Singapore chia sẻ sáng kiến của mình.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẽ: Trong năm 2022-2023, diện tích sản xuất muối tại Bạc Liêu đã đạt gần 1.420 ha, vượt 2,8% so với mục tiêu đề ra, với tổng sản lượng đạt được gần 27.500 tấn. Với sứ mạng tiếp tục khơi dậy và phát triển ngành nghề này, AgriViet đẩy mạnh kết hợp kinh nghiệm truyền thống làm muối lâu đời của Bạc Liêu với những công nghệ tiên tiến ứng dụng cho nông nghiệp mà cụ thể là IoT, nằm trong khuôn khổ quy định của Hiệp Hội Kinh tế Xanh ASEAN (ASEAN Blue Economy) cho phép.
Qua đó, không chỉ nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn đẩy mạnh sứ mệnh gìn giữ di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ngoài ra, với định hướng là thị trường thủy sản toàn cầu, AgriViet dự kiến sẽ đạt doanh thu 56,86 tỷ USD vào năm 2027. Dự án này hứa hẹn sẽ trở thành tiền đề đưa AgriViet nói riêng và Việt Nam nói chung bắt kịp cũng như hoà nhập vào xu thế phát triển bền vững toàn cầu trong ngành thủy sản và sản xuất muối.