Cần tìm hiểu vì sao học sinh không mặn mà với ngành nông nghiệp. Báo Nông nghiệp Việt Nam bảo trợ truyền thông cho Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk. Nhiều vi phạm khai thác đất làm vật liệu san lấp. Nghiên cứu thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá tra.
Cần tìm hiểu vì sao học sinh không mặn mà với ngành nông nghiệp
Chiều 14/7, tại Nam Định, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với Câu lạc bộ khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản. Thành viên của Câu lạc bộ đều trong ban giám hiệu của các trường trực thuộc Bộ…
Thời gian qua, nhu cầu người theo học lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản có xu hướng giảm, minh chứng là nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với lao động trình độ cao đẳng trở lên xấp xỉ 46.000 người/năm, nhưng số lượng tuyển sinh thực tế hàng năm chỉ đạt khoảng 11,2% so với nhu cầu.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các trường cần tìm hiểu lí do tại sao học sinh lại không mặn mà với ngành nông nghiệp, từ đó có sự đổi mới trong phương pháp dạy và học. Dẫn chứng từ cách làm của Trường cấp 3 Nam Định, Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng là làm sao truyền được đam mê và sự hứng khởi cho học sinh, sinh viên với nông nghiệp. Từ đó khẳng định giá trị của nông sản đối với con người và xã hội.
Báo Nông nghiệp Việt Nam bảo trợ truyền thông cho Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk
Sáng 14/7, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Gặp mặt kết nối tiêu thụ sản phẩm sầu riêng năm 2023 đối với các HTX, Doanh nghiệp thu mua sầu riêng trên địa bàn.
Tại biên bản ghi nhớ, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ tuyên truyền các hoạt động của Hiệp hội; giúp hiệp hội xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm.
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đăk Lăk cho biết, năm 2023, dự kiến diện tích sầu riêng thu hoạch trên địa bàn tỉnh tăng lên trên 12.000ha, sản lượng trên 200.000 tấn.
Để chuẩn bị mùa thu hoạch sầu riêngsắp tới của Đắk Lắk thành công, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho từng thành viên, đồng thời sẽ ban hành các Nghị quyết, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX kinh doanh, sản xuất sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Qua đó kết nối tiêu thụ sầu riêng thuận lợi.
Nhiều vi phạm khai thác đất làm vật liệu san lấp
Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ thi công các dự án tại địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép 19 mỏ đất làm vật liệu san lấp với tổng diện tích khoảng 125ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra của chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng tại một số mỏ đất đã phát hiện nhiều vi phạm.
Theo đó, các vi phạm phổ biến là các mỏ đất chưa lắp camera giám sát và trạm cân, quá trình khai thác phát hiện loại đất có thể sử dụng cho mục đích khác nhưng không báo cáo.
Một số mỏ đất làm vật liệu san lấp mặc dù đã hết thời hạn khai thác nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.
NGHIÊN CỨU THẤT THOÁT THỰC PHẨM TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ CÁ TRA
Sáng 14/7, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức Lễ công bố ra mắt dự án nghiên cứu “Thất thoát thực phẩm trong chuỗi giá trị cá Tra ở lưu vực sông Mekong” và Hội thảo quốc tế khởi động dự án này.
Tiến sĩ Đinh Công Khải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế TP.HCM cho biết: Dự án nằm trong Chương trình thất thoát thực phẩm mới được thành lập của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026. Hội thảo cũng là một cột mốc chính thức triển khai thực hiện dự án cho cả ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm, từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư trong việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm đối với ngành cá tra ở lưu vực sông Mekong của Việt Nam.