Hàng trăm hộ dân Hậu Giang chưa được sử dụng nước sạch. Nhiều lao động kiểm ngư Nghệ An mất việc. Không ăn thịt thú rừng - Góp thiện cho đời. Sơn La phấn đấu đạt 204 sản phẩm OCOP vào năm 2025.
Hàng trăm hộ dân Hậu Giang chưa được sử dụng nước sạch
Văn Vũ - Sản xuất
Tại rạch Bà Tài, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có hàng chục hộ dân sinh sống nhưng do không có nguồn nước sạch sử dụng. Nhiều năm nay người dân phải sử dụng nguồn nước sông, kênh rạch không đảm bảo vệ sinh để ăn uống, sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Tấn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, xã Đông Thạnh được công nhận nông thôn mới từ năm 2015. Những năm gần đây người dân phát triển mạnh vườn cây ăn trái, chuồng trại chăn nuôi, rạch Bà Tài trở thành túi chứa nước thải và các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên đã bị ô nghiêm trọng. Ngoài ra, do một số ấp dân cư người dân sống phân tán nên việc kéo đường ống nước cung cấp nước sạch sử dụng rất khó khăn, dẫn đến tình trạng người dân phải sử dụng nước dưới kênh, rạch bị ô nhiễm.
Trước thực trạng đó, từ giữa năm 2023, UBND tỉnh Hậu Giang đã cấp thuận chủ trương nâng cấp trạm cấp nước xã Đông Thạnh công suất 2.850m3/ngày đêm, với tổng kinh phí đầu tư 22 tỉ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024, đưa vào sử dụng tháng 1/2025, đảm bảo cung cấp nước sạch cho cho khoảng 850 hộ dân trên địa bàn xã Đông Thạnh.
Nhiều lao động kiểm ngư Nghệ An mất việc
Việt Khánh - Sản xuất
Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An được bố trí 2 tàu Kiểm ngư. Theo quy định 2 tàu này sẽ được bố trí 26 thuyền viên. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư đã ký hợp đồng với 10 lao động để trực tiếp vận hành, chi trả từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được nhà nước cấp hàng năm.
Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy số lao động trên không nằm trong biên chế được giao của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An. Để bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, đơn vị đã báo cáo, xin ý kiến Sở NN-PTNT Nghệ An điều động 2 tàu kiểm ngư về âu neo đậu tàu thuyền trong thời gian tạm ngừng hoạt động. Đồng thời, dừng hợp đồng với 10 lao động kiểm ngư kể từ ngày 1/4/2024.
Tại cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở NN-PTNT nghiên cứu, sớm tham mưu phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Không ăn thịt thú rừng – Góp thiện cho đời
Tâm Phùng - Tâm Đức - Sản xuất
Tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên và Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tổ chức lễ phát động kêu gọi cùng hành động vì động vật hoang dã. Với thông điệp “Con người có cặp – thú rừng có đôi, không ăn thịt thú rừng – góp thiện cho đời”. Sự kiện nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và các bên liên quan về bảo tồn động thực vật hoang dã nói chung và giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã nói riêng.
Quảng Bình là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 82% diện tích tự nhiên, có độ đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái rừng phong phú, là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật hoang dã có giá trị, quý hiếm, được ghi trong Sách đỏ. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng nhanh.Nguyên nhân chính là do nhận thức về bảo tồn động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế, thói quen tiêu thụ thịt thú rừng trái pháp luật vẫn còn diễn ra.
Sơn La phấn đấu đạt 204 sản phẩm OCOP vào năm 2025
Quang Dũng - Sản xuất
Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho biết, hiện địa phương này có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao. Dự kiến trong năm 2024 toàn tỉnh sẽ đánh giá, phân hạng trên 60 sản phẩm OCOP. Theo ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, năm nay, các huyện đã đăng kí phấn đấu đạt 60 sản phẩm OCOP, phấn đấu đến hết năm 2024 toàn tỉnh đạt 170 sản phẩm và đến năm 2025 đạt 204 sản phẩm. Các chính sách về hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cũng được tỉnh quan tâm, hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Việc phát triển các sản phẩm OCOP sẽ góp phần quan trọng để các địa phương chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo ra nhiều hàng hóa đặc sản, có giá trị kinh tế cao.