Ứng dụng công nghệ số phát triển bền vững ngành tôm. Hậu Giang kêu gọi hơn 5.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp. Khởi động dự án trung tâm cứu hộ gấu 10,5 triệu USD tại Huế. TP. HCM kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập sở an toàn thực phẩm.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH TÔM
Ngày 15/7, tại Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản và Hội nghề cá Việt Nam phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn Tôm Việt năm 2022 với chủ đề “Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển bền vững ngành tôm tại Việt Nam”.Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, Tổng cục Thuỷ sản, các địa phương, nhà khoa học và người dân tăng cường hơn nữa việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất để vừa phát triển sản xuất nuôi tôm, vừa ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19. Cùng với đó, cần xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện Covid-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm…
HẬU GIANG KÊU GỌI HƠN 5.600 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP
Ngày 15/7, tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến Hậu Giang vui”. Hiện, tỉnh Hậu Giang đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với 21 dự án, tổng mức kêu gọi đầu tư là hơn 5.687 tỷ đồng.Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, để công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hậu Giang đạt được hiệu quả, tỉnh cần duy trì chất lượng sản phẩm OCOP hiện có. Với 5 sản phẩm nông sản chủ lực hiện nay là: lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát, lươn đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và phát triển, cơ chế chính sách đi theo từng dự án. Đẩy mạnh sản xuất đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn, tạo tiền đề vững chắc cho các mặt nông sản của tỉnh tăng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.
KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN TRUNG TÂM CỨU HỘ GẤU 10,5 TRIỆU USD TẠI HUẾ
Ngày 15/7, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở 2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên – Huế chính thức được khởi công, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh. Đây là Trung tâm trung tâm cứu hộ gấu thứ 2 tại Việt Nam do Tổ chức Động vật Châu Á viện trợ không hoàn lại với tổng kinh phí khoảng 10,5 triệu USD, được đặt ở Khu hành chính của Vườn quốc gia Bạch Mã, với diện tích 12,7 ha. Trung tâm mới dự kiến hoàn thành toàn bộ các hạng mục vào năm 2026 với 12 nhà gấu và 12 khu bán hoang dã. Sau khi hoàn thành, Trung tâm sẽ nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân và những vụ nuôi nhốt gấu trái phép.
TP. HCM KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ CHO PHÉP THÀNH LẬP SỞ AN TOÀN THỰC PHẨM
Sáng 16/7, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.Mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm đến nay đã giải quyết căn bản vấn đề cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay về đảm bảo an toàn thực phẩm cho 10 triệu người dân TP.HCM và đẩy mạnh công tác kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thuỷ sản… Việc thống nhất lực lượng từ 3 Sở Y tế, Công thương và nông nghiệp phát triển nông thôn, cho phép xây dựng mạng lưới đội quản lý an toàn thực phẩm bố trí tại các chợ đầu mối, quận huyện. Để quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở An toàn thực phẩm.