Ban hành quy trình 7 bước đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp. Nông dân có thêm thu nhập nhờ tận dụng lợi thế từ rơm.
BAN HÀNH QUY TRÌNH 7 BƯỚC ĐĂNG KÝ XUẤT KHẨU TỔ YẾN SANG TRUNG QUỐC
Để chuẩn bị xuất khẩu tổ yến ngay khi Tổng cục Hải Quan Trung Quốc chấp thuận mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngày 26/12, Cục Thú y ban hành văn bản hướng dẫn doanh nghiệp quy trình đăng ký xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, để đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, Doanh nghiệp cần tuân thu quy trình đăng ký gồm 7 bước: - Đăng ký mã số nhà nuôi chim yến với địa phương nơi có nhà nuôi chim yến. - Gửi văn bản đến Cục Thú y đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục xuất khẩu kèm theo các văn bản cần có. - Căn cứ đề nghị của doanh nghiệp, Cục Thú y có công văn hướng dẫn giám sát dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm. - Sau khi có kết quả giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm đạt yêu cầu, các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu với Tổng cục Hải Quan Trung Quốc theo quy định. - Sau khi doanh nghiệp khai báo và tải các giấy tờ theo yêu cầu lên Hệ thống quản lý đăng ký doanh nghiệp của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, Cục Thú y sẽ bổ sung thư xác nhận doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư và gửi cho nước bạn xem xét, quyết định. - Kết quả đăng ký doanh nghiệp sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo trực tiếp cho doanh nghiệp qua tài khoản doanh nghiệp đã đăng ký. - Doanh nghiệp được Trung Quốc chấp thuận sẽ thực hiện các thủ tục xuất khẩu tổ yến theo quy định.Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Thú y thông qua địa chỉ email và số điện thoại đang hiện thị trên màn hình để được hướng dẫn và giải đáp.
HÌNH THÀNH HỆ SINH THÁI TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Ngày 26/12 tại Trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị về Công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.Theo đó, trong năm 2022, Tổng cục đã quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, phối hợp với 40 cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng gần 500 tin bài về giáo dục nghề nghiệp; Thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin trên mạng xã hội; Xây dựng, phát triển không gian truyền thông, hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp.Nhờ đó, Công tác truyền thông đã có chuyển biến rõ rệt và phần nào làm thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, cả xã hội về GDNN.Năm 2023, Tổng cục đặt mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện các Quy đinh, Kế hoạch truyền thông về GDNN giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục phối hợp đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai, từng bước hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN.
NHIỀU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Là đơn vị nghiên cứu, đưa ra nhiều giống lúa mới có đặc tính vượt trội, Viện lúa ĐBSCL đã góp phần không nhỏ tạo nên nội lực từ nguồn giống cho ngành nông nghiệp nước nhà.Trong năm 2022, Viện đã ký kết chuyển giao thêm cho 4 doanh nghiệp, trung tâm nông nghiệp, công nghệ sản xuất giống và quyền sử dụng lại các giống lúa do viện nghiên cứu cho các đơn vị. Đồng thời, Viện lúa cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp, kết quả các sản phẩm khoa học đảm bảo đúng kế hoạch. Hiện, Viện lúa ĐBSCL đang triển khai nhiệm vụ Khuyến nông xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra Viện cũng thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế, xây dựng kế hoạch giả thiết lập chuỗi lúa gạo SRP nông hộ nhỏ bền vững.
NÔNG DÂN CÓ THÊM THU NHẬP NHỜ TẬN DỤNG LỢI THẾ TỪ RƠM
Những năm gần đây, ngoài việc bán rơm thu được sau các vụ lúa, nhiều lao động tại Cần Thơ có cơ hội nâng cao thu nhập khi tham gia vào quá trình trồng, thu hoạch, mua bán nấm rơm.Theo đó, mỗi vụ trồng nấm rơm kéo dài khoảng 1 tháng, mỗi cuộn rơm có thể cho thu hoạch 1,5-2kg nấm. Nếu giá nấm rơm giữ ở mức từ 50.000-60.000 đồng/kg, người dân có nguồn thu khá cao.Rơm sau khi chất nấm còn được phơi khô để sử dụng làm phân hữu cơ, bón cho rau màu, hoa kiểng và nhiều loại cây trồng. Giá rơm sau chất nấm hiện ở mức khoảng 100.000 đồng/bao 40kg.Ngoài ra, nhiều nông dân còn sử dụng rơm kết hợp cùng các phế phụ phẩm khác trong trồng trọt và chăn nuôi để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ tổng hợp, sau đó đóng gói thành bao hoặc gói để bán ra thị trường.