Hơn 200.000 tấn gia cầm nhập lậu mỗi năm. Huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm ngư dân mất tích. Nhà máy rác tồn đọng gần 20.000 tấn. Trồng măng tông thay thế cây mía kém hiệu quả.
HƠN 200.000 TẤN GIA CẦM NHẬP LẬU MỖI NĂM
Chiều nay (17/10), Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. Và mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền trung và miền nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, công tác phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hoạt động chăn nuôi thua lỗ là vấn đề nghiêm trọng. Bởi, đây là lĩnh vực chủ lực trong ngành nông nghiệp nhưng sức chống đỡ yếu ớt, ảnh hướng đến sức cạnh tranh. Theo Thứ trưởng, nếu tiếp tục tình hình này, Việt Nam sẽ khó thu hút được các doanh nghiệp FDI chăn nuôi đầu tư. Ngoài ra, một hệ lụy khác từ nhập lậu gia cầm là dịch bệnh lan tràn từ các nước khác vào Việt Nam. Do đó, công tác chống buôn lậu, nhập lậu là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện. Do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN TÌM KIẾM NGƯ DÂN MẤT TÍCH
Lê Khánh – Sản xuất
Có mặt và chỉ đạo công tác tìm kiếm các ngư dân mất tích trên 2 tàu cá bị chìm ở tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, từ nay cho đến khoảng 2 giờ chiều ngày mai là khoảng thời gian vàng để ứng cứu các ngư dân. Do đó, lực lượng chức năng cần huy động mọi lực lượng, phương tiện để tìm kiếm, làm sao để càng cứu được nhiều người càng tốt. Ngoài ra, đối với các ngư dân đã được cứu cần phải thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc y tế, hạn chế để xảy ra diễn biến xấu. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu tỉnh Quảng Nam động viên, chia sẻ với các gia đình có người thân gặp nạn.
Trước đó tối ngày 16/10 và rạng sáng ngày 17/10, 2 tàu cá gồm: QNa 90129TS do ông Lương Văn Viên (sinh năm 1976, trú tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, trên tàu có 54 lao động và tàu cá QNa 90927TS do ông Trần Công Trường (Sinh năm 1981, cũng ở Tam Quang, tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng với 39 thuyền viên hành nghề câu mực trên biển thì bất ngờ bị sóng đánh chìm. Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam cùng các tàu cá của ngư dân đã cứu vớt được 80 người, trong đó có 3 người chết. Còn lại 13 người đang mất tích.
NHÀ MÁY RÁC TỒN ĐỌNG GẦN 20.000 TẤN
Công Điền -Sản xuất
Nhà máy xử lý rác Thủy Phương tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế do Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển Tâm Sinh Nghĩa làm chủ đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2007, với công suất trên 200 tấn rác/ngày đêm. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay, nhà máy này đã phải ngừng hoàn toàn việc tiếp nhận nguồn rác mới. Bên cạnh đó, do nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, trang thiết bị hư hỏng và thiếu đầu tư dẫn đến xử lý kéo dài, gây ảnh hưởng đến môi trường và có nhiều phản ánh, kiến nghị.
Theo số liệu khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 11/2022, khối lượng rác tồn đọng tại Nhà máy xử lý rác Thủy Phương là khoảng 19.438 tấn (tương đương 55.000 m3).
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai phương án xử lý rác tồn đọng bằng cách vận chuyển toàn bộ để xử lý chôn lấp tại bãi Thủy Phương. Đây được xem là giải pháp nhanh nhất để xử lý gần 20.000 tấn rác tồn đọng của nhà máy này.
TRỒNG MĂNG TÔNG THAY THẾ CÂY MÍA KÉM HIỆU QUẢ
Văn Vũ - Sản xuất
Những năm gần đây, tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang do cây mía không mang lại hiệu quả nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng tre Măng Tông (hay còn gọi là tre Mạnh Tông) để bán măng và cây.
Nhiều người dân cho biết, tre Măng Tông là loài tre cho măng quanh năm, mỗi mục măng có trọng lượng từ 3-5kg, được bán với giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Với 1000 m2 có thể cho thu nhập 20 triệu đồng/năm.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, măng là loại cây dễ trồng lại tốn ít chi phí, ngoài bán măng thì người dân còn có thể bán cả cây nên lợi nhuận kinh tế cao. Hiện, ngành nông nghiệp đang kêu gọi các doanh nghiệp vào để liên kết thu mua măng, giúp người dân có đầu ra ổn định.