Vải mất mùa nhưng nông dân vẫn lãi 300 triệu đồng/ha. Thị trường vải sớm 2024 sôi động từ đầu vụ. Đồng Tháp khai mạc Phố ẩm thực sen. Khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng tại TP.HCM.
Vải mất mùa nhưng nông dân vẫn lãi 300 triệu đồng/ha
Minh Quý sx
Huyện Ea Kar là vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có 1.023 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 700 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih, Xuân Phú, Cư Huê, Ea Đar. Giống vải được trồng ở đây chủ yếu là U Hồng, U Thâm và U Trứng, được mua từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Những năm gần đây, lợi nhuận từ cây vải mang lại tương đối lớn, người trồng từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, chất lượng quả vải. Hiện, hơn 80% diện tích vải ở Ea Kar được trồng chăm sóc theo hướng VietGAP, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, vòi phun đóng mở tự động, tiết kiệm nước tưới, ứng phó tốt với khô hạn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Ea Kar, năm nay năng suất vải thiều giảm khoảng 30 - 40% so với vụ trước, tuy nhiên, giá bán cao, bình quân khoảng 40 – 50 nghìn đồng một kg nên dù mất mùa nhưng người dân vẫn lãi 300 triệu đồng mỗi ha. Hiện các doanh nghiệp đến tận nơi thu mua vải, đóng continer lạnh xuất khẩu.
Thị trường vải sớm 2024 sôi động từ đầu vụ
Thanh Thủy sx
Có mặt tại xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên) vào những ngày này, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận thị trường tiêu thụ vải chín sớm sôi động. Ngay từ đầu vụ vải chín sớm, nhiều thương nhân Trung Quốc đã đến tận địa phương để trực tiếp thu mua vải.
Gia đình chị Nguyễn Anh Thơ ở thôn Quất Du 1, xã Phúc Hòa thu hoạch được 2 tấn vải trong ngày đầu mở vườn, trời mưa như trút nhưng chị vẫn rất phấn khởi vì vải sớm được giá, thương lái trả chị từ 32.000 - 35.000 cho mỗi kg vải tùy theo mã.
Năm 2024 toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 29.700 hecta vải. Trong đó có 7.700 hecta vải sớm và 22.000 hecta vải chính vụ. Sản lượng ước đạt 100.000 tấn, trong đó khoảng 50.000 tấn là vải chín sớm. Thời gian thu hoạch vải sớm trên địa bàn từ 20/5; chính vụ từ ngày 10/6 đến ngày 30/7.
Đồng Tháp khai mạc Phố ẩm thực sen
Lê Hoàng Vũ SX
Nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội sen Đồng Tháp (lần thứ 2) năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen”, ngày 16/5, ban tổ chức khai mạc Phố ẩm thực với các món ăn từ sen với 25 gian hàng phục vụ chế biến các món ăn có nguyên liệu từ sen tại đường Đặng Văn Bình, công viên Văn Miếu, có sự tham gia của các Hiệp hội ẩm thực ngoài tỉnh cùng các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp với hơn 50 món ăn phục vụ tại tuyến phố.
Theo ban tổ chức, thông qua việc phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực từ sen sẽ thu hút người dân và du khách đến Đồng Tháp tham quan trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời ban tổ chức còn tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo chế biến ẩm thực từ sen.
Khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng tại TP.HCM
(Trần Phi sản xuất)
Ngân hàng Thực phẩm Việt Nam vừa phối hợp cùng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tiến hành ký kết hợp tác “Chương trình phát triển nông nghiệp và thực phẩm định hướng xanh, bền vững và Khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM (gọi tắt là Nong Lam - Food Bank Garden).
Đây là dự án phi lợi nhuận - nơi mọi người cùng chung tay trồng trọt, chăm sóc và chia sẻ, cung cấp thực phẩm an toàn đến người cần. Mô hình này hỗ trợ, cung cấp quy trình sản xuất, xử lý rác thải hữu cơ, chăm sóc, thu hoạch và cuối cùng là vận chuyển đến nơi cần một cách công khai, minh bạch hướng tới một nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng cho người dùng, tiếp cận được nguồn thực phẩm chất lượng cao và giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Tin dự phòng
Đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển làm đường cao tốc
Văn Vũ sx
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có thông báo đến các tỉnh, thành phố về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Công văn gửi các địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị nhà thầu thi công các dự án liên hệ tỉnh Sóc Trăng (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) để được hướng dẫn về thủ tục đăng ký khai thác theo quy định.
Trước đó các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết quả bước đầu đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 (thuộc khu vực ven bờ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có thể đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL. Kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 có tổng lượng cát khai thác 100 triệu m3, công suất khai thác khoảng 30.000 - 50.000 m3/ngày. Thời gian khai thác liên tục và phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm.