Khởi công dự án xây dựng Trụ sở Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Việt Bắc. Nông dân trồng tắc kiểng ở Đồng Tháp xử lý cây ra trái bán dịp Tết. Hỗ trợ khôi phục lại sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ. Gần 700 hộ dân tại Ninh Bình bị ngập sâu.
Khởi công dự án xây dựng Trụ sở văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Việt Bắc
Duy Học – Quang Dũng – Quang Linh
Sáng 13/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng mới Trụ sở Văn phòng Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Việt Bắc. Dự án được triển khai tại số 465 đường Quang Trung, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sau khi hoàn thành trụ sở này sẽ đảm bảo đủ cơ sở vật chất để Báo tiếp tục đầu tư hạn tầng kỹ thuật, trang thiết bị, Trường quay N4… Xây dựng trụ sở Văn phòng Việt Bắc trở thành Trung tâm sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện và tổ chức các sự kiện truyền thông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các lĩnh vực liên qua tại khu vực Việt Bắc và khu vực miền núi phía Bắc. Từ đó, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và khu vực Việt Bắc nói chung trong thời gian tới.
Những năm qua, Văn phòng Việt Bắc nói riêng và Báo Nông nghiệp Việt Nam nói chung đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo cũng luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên, TP. Thái Nguyên, phường Thịnh Đán để Văn phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền được giao, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động theo mục tiêu phát triển của Báo.
Đến nay, Báo NNVN đang có 8 Văn phòng, Chi nhánh đang hoạt động tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
(Tin 2) Nông dân trồng tắc kiểng ở Đồng Tháp xử lý cây ra trái bán dịp Tết
LÊ HOÀNG VŨ SX
Thời điểm này, bà con nông dân trồng tắc kiểng ở làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật khâu xử lý ra trái để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo nhiều bà con nông dân, từ lúc trồng đến lúc bán mỗi cây tắc kiểng phải tốn chi phí hơn 100 ngàn đồng. Thời điểm này, ông Tất và các chủ vườn tắc đang thực hiện công đoạn xử lý để cây ra trái.
Năm nay, thời điểm xử lý ra trái thời tiết khá thuận lợi nên đa số đều ra hoa. Tuy nhiên, để có những cây tắc đẹp và nhiều trái đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật, đặc biệt là khâu xử lý sao cho cây ra trái nhiều đúng vào dịp Tết, nuôi dưỡng để cây ra trái to, sáng da mới bán được giá cao.
(Tin 3) Hỗ trợ khôi phục lại sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ
(NGUYỄN THỦY)
Chia sẻ tại buổi họp báo về Triển lãm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản & chế biến thịt tại Việt Nam (Vietstock 2024) diễn ra tại TP.HCM, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, ngành chăn nuôi có thiệt hại, nhưng ít nhất so với các thiệt hại khác, không quá đáng lo ngại về tổng đàn.
Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng đã có những cảnh báo cho các địa phương hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn sinh học, nguồn nước, nguồn thức ăn, môi trường. Nhất là không chủ quan, dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm cho cả nước.
Cục Chăn nuôi cũng đã có thư kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ để khôi phục lại sinh kế cho người chăn nuôi nhỏ lẻ trong thời gian tới.
(Tin 4) Gần 700 hộ dân tại Ninh Bình bị ngập sâu
Quốc Toản sx
Thôn Kênh Gà thuộc xã Gia Thịnh, Gia Viễn, Ninh Bình) có 683 hộ dân. Do nằm ven sông Hoàng Long và được xem là rốn lũ của tỉnh Ninh Bình, nên nơi đây thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Theo chia sẻ của nhiều hộ dân, thôn Kênh Gà cứ đến mùa mưa bão là và bị chia cắt với vùng lân cận. Mùa lũ, người dân không dám ra đường, nên nhà nào cũng đóng cửa, tìm chỗ tránh trú trên cao. Phương tiện chủ yếu sử dụng để di chuyển là thuyền. Với tình hình mưa kéo dài như hiện nay, khả năng cả thôn sẽ chìm sâu trong nước một vài ngày tới. UBND huyện Gia Viễn đã chỉ đạo địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ. Triển khai các biện pháp sơ tán, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân trong mùa mưa bão khi nước sông Hoàng Long dâng cao.