Bão số 3 khiến 26 người thiệt mạng, 250 người bị thương. Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ. Sông Cầu xuất hiện lũ lớn. Yên Bái thiệt hại hơn 1.000ha cây trồng nông nghiệp.
Bão số 3 khiến 24 người thiệt mạng, 250 người bị thương
Quang Dũng sx
Sáng 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức cuộc họp chia sẻ thông tin về cơn bão số 3 và xây dựng kế hoạch đánh giá nhanh thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tính đến sáng ngày 9/9, cơn bão đã làm 24 người chết và hơn 200 người bị thương. Thứ trưởng đánh giá đây là cơn bão tăng tốc nhanh nhất trong thời gian ngắn với cường độ mạnh nhất; thời gian hoạt động và tàn phá trên đất liền cũng kéo dài nhất. Cơn bão gây thiệt hại nặng nề cơ sở hạ tầng, gần 9.900 nhà ở bị hư hỏng; nhiều đường dây điện, viễn thông bị sự cố khiến cho Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng; hàng trăm nghìn hecta lúa, hoa màu bị hư hại; trên 121.000 cây xanh bị gãy đổ tại các địa phương cơn bão đi qua.
Tại cuộc họp, các đại biểu quốc tế cho rằng, để hỗ trợ kịp thời các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 một cách hiệu quả cần đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh, lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng để đảm bảo cung cấp các nhu cầu cấp thiết cho người dân bị ảnh hưởng…
Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ
Hoàng Anh
Sáng 9/9, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng bão số 3 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng nay cầu Phong Châu (bắc qua địa phận huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã bị sập, hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương có mặt tại hiện trường.
Thông tin ban đầu từ hiện trường vụ sập cầu cho biết, thời điểm cầu Phong Châu bị sập có một số phương tiện đang di chuyển, phía bên dưới, nước sông Hồng đang kéo về cuồn cuộn. Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ.
Sông Cầu xuất hiện lũ lớn
Ngọc Tú sx
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 8/9 - 09/9, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa to đến rất to với lượng mưa dao động khoảng 150mm, một số nơi có lượng mưa lên đến 361mm. Sáng 9/9, trên sông Cầu xuất hiện lũ lớn trên mức báo động 3. Trên sông Cầu tại trạm Chợ Mới mực nước ở mức 60,02m, trên báo động 3 khoảng 2.0m. Tại trạm đo Thác Giềng mực nước đỉnh lũ có khả năng ở mức 101.50m, trên báo động 3 khoảng 3.0m, thời gian đạt đỉnh khả năng trong trưa 9/9. Dự báo mực nước sông Cầu ở các tỉnh hạ du sông Cầu như Thái Nguyên sẽ dâng cao kỷ lục. Tại xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn), nước lũ tiếp tục lên cao gây ngập úng sâu khu vực cánh đồng của xã. Hiện hầu như toàn bộ cánh đồng rộng vài chục ha đã chìm sâu trong nước.
Yên Bái thiệt hại hơn 1.000ha cây trồng nông nghiệp
Thanh Tiến sx
Mưa lũ kéo dài, lũ trên sông Hồng tại Yên Bái tiếp tục lên nhanh, mực nước lúc 7h ngày 9/9 là 33,69m, trên báo động 3 là 1,69m. Trong 12-24 giờ tới, lũ khả năng đạt đỉnh ở mức 34,10m, trên báo động 3 là 2,1m.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh, đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp rất nặng nề, có trên 1.022 ha cây trồng bị đổ gẫy, ngập úng. Trong đó gần 850 ha lúa ở các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Nghĩa Lộ bị thiệt hại, có nhiều diện tích đang trong thời kỳ trỗ bông, phơi màu nên nguy cơ mất trắng rất cao. Gần 140 ha ngô, rau màu bị thiệt hại. Diện tích dâu tằm tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên bị ngập úng khoảng vài trăm ha, hiện chưa thể thống kê vì nước sông Hồng đang tiếp tục dâng cao. Thiệt hại của người trồng dâu nuôi tằm rất lớn, nhiều lứa tằm sẽ phải đổ bỏ vì thiếu thức ăn.