Không thương mại hoá giáo dục nhưng cần tiếp cận theo tư duy thị trường. Lũ ở ĐBSCL đang ở mức thấp. Xuất khẩu cà phê 2022 có thể lập kỷ lục 4 tỷ USD. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm.
KHÔNG THƯƠNG MẠI HOÁ GIÁO DỤC NHƯNG CẦN TIẾP CẬN THEO TƯ DUY THỊ TRƯỜNG
Chiều 9/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơncó buổi làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về các kiến nghị, vướng mắc sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Học viện ngày 17/8 vừa qua. Tại buổi làm việc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị cần sớm triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo và giáo dục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, còn nêu một số vướng mắc về dự án “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” ngành nông nghiệp như thủ tục phê duyệt, đầu tư trang thiết bị…. Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến của Học viện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Học viện phải xem sự phát triển của đơn vị là 1 phần trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn của đất nước, qua đó xác định vị trí của mình trong nền nông nghiệp nước nhà. Về phía Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chúng ta không được thương mại hóa giáo dục, nhưng phải có cách tiếp cận theo tư duy thị trường để tìm ra hướng đi giáo dục phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của nền kinh tế. Bộ trưởng gợi ý, Học Viện nên triển khai thí điểm giáo dục những mô hình có tiềm năng, có hàm lượng khoa học cao, giúp ích cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.
MỰC NƯỚC LŨ Ở ĐBSCL ĐANG Ở MỨC THẤP
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long hiện nay ở mức khá thấp, dự báo mực nước cao nhất trong tháng 9 ở mức thấp hơn báo động 1 tại Tân Châu, nên hầu như không ảnh hưởng đến sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng đầu nguồn ĐBSCL. Tuy nhiên, do triều dự báo ở mức cao hơn khá nhiều trung bình nhiều năm, nên cần đề phòng những khu vực sản xuất chịu tác động mạnh của thủy triều, cụ thể là vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL.Từ nay đến cuối mùa lũ vẫn còn khả năng xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có nguy cơ đi vào đất liền gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến mực nước sông trong thời gian tới.
XUẤT KHẨU CÀ PHÊ 2022 CÓ THỂ LẬP KỶ LỤC 4 TỶ USD
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 8 của cả nước đạt 112,5 nghìn tấn, giảm nhẹ 1,2% so với tháng 7, nhưng tăng 1,7% về kim ngạch, tương đương đạt 266 triệu USD. Lũy kế trong 8 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và 40,4% về giá trị.Với đà tăng trưởng ấn tượng này, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay đã sớm đạt được. Thậm chí, ngành cà phê Việt Nam trong năm nay có thể sẽ thiết lập kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD nếu giá xuất khẩu tiếp tục ở mức cao.Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu.
ẤN ĐỘ CẤM XUẤT KHẨU GẠO TẤM
Chính phủ Ấn Độ thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với xuất khẩu một số loại gạo, trừ gạo đồ và gạo basmati khỏi việc áp thuế xuất khẩu mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ hôm nay (9/9). Ngoài ra nước này còn cấm xuất khẩu lúa mỳ và hạn chế xuất khẩu đường. Ấn Độ hiện xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia, do vậy bất kỳ động thái cắt giảm nào từ nước này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu, vốn đã tăng vì hạn hán và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Việc áp thuế mới có thể sẽ thúc đẩy người mua rời xa gạo Ấn Độ để chuyển hướng sang các đối thủ như Thái Lan và Việt Nam.