Kiểm soát khai thác hải sản tại Quảng Ninh còn hạn chế. Vận hành hồ chứa an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa lũ. Ô nhiễm môi trường do hoạt động thu gom phế liệu. Doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó do thuế giá trị gia tăng cao.
KIỂM SOÁT KHAI THÁC HẢI SẢN TẠI QUẢNG NINH CÒN HẠN CHẾ
Tiến thành
Ngày 5/8, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm Trưởng Đoàn đã có buổi kiểm tra thực tế tại cảng cá Cái Rồng, huyện Vân Đồn và làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc gỡ thẻ vàng của EC trong hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định kiểm soát khai thác.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, công tác gỡ thẻ vàng IUU của tỉnh Quảng Ninh còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Cụ thể, vẫn còn tình trạng tàu cá từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển; số tàu cá và sản lượng khai thác được kiểm soát tại cảng còn thấp, số liệu báo cáo giữa các đơn vị trong Văn phòng kiểm soát nghề cá còn chưa đồng bộ. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng khắc phục hạn chế còn tồn tại để sớm gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian tới kiểm soát khai thác.
VẬN HÀNH HỒ CHỨA AN TOÀN TRƯỚC DIỄN BIẾN PHỨC TẠP CỦA MƯA LŨ
Ngày 5/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc chủ động vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Cụ thể, trong 7 ngày vừa qua, khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn từ 150-250mm, và mực nước các hồ thủy điện có xu hướng gia tăng nhanh. Vào hồi 9h ngày 5/8/2023 mực nước hồ Sơn La còn thấp hơn 1,1m; hồ Hòa Bình thấp hơn 1,68m; Tuyên Quang 3,09m so với mực nước cao nhất trước lũ trong thời kỳ lũ chính vụ. Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến ngày 8/8, khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-220mm, có nơi trên 300mm.
Để ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ và đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn nước, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các hồ chứa: Chủ động vận hành phát điện để sử dụng hiệu quả nguồn nước trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO HOẠT ĐỘNG THU GOM PHẾ LIỆU
Đinh Mười (Đông Bắc) - Sản xuất
Làng nghề thu gom phế liệu ở phường Tràng Minh, quận Kiến An, TP.Hải Phòng hình thành tự phát vào khoảng năm 1980. Từ vài hộ ban đầu, đến nay đã có gần 100 hộ theo nghề thu gom phế liệu, chiếm hơn 80% số hộ trong khu vực. Các hoạt động sản xuất, tái chế, nung chảy phế liệu thành hạt nhựa diễn ra ngay sát bờ sông Đa Độ. Tình trạng đốt trộm rác thải như vỏ bao bì, vỏ chai nhựa, ống nhựa, vụn vải, giầy da… trên các cánh đồng lúc đêm tối vẫn thường xuyên diễn ra dọc triền đê ven sông Đa Độ. Hải Phòng đã có dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với tổng số vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng và trạm xử lý nước thải làng nghề Tràng Minh đã đi vào hoạt động nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây vẫn chưa được cải thiện.
DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT PHÂN BÓN GẶP KHÓ DO THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG CAO
Văn vũ
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón tại ĐBSCL gặp khó khăn do thuế giá trị gia tăng cao, nên không thể đầu tư máy móc, thiết bị mới và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Đây là tình trạng chung của nhiều nhà máy phân bón tại ĐBSCL hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế giá trị gia tăng được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất. Điều này gây bất lợi trong việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo ông Vũ Minh Tuấn, Phó giám đốc công ty Cổ phần phân bón Miền Nam, do cạnh tranh không công bằng trong thuế giá trị gia tăng nên dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải thu hẹp sản xuất các dây chuyền không khai thác hết năng suất và sản lượng.