| Hotline: 0983.970.780

Tăng tốc tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi

Thứ Ba 09/07/2024 , 14:35 (GMT+7)

QUẢNG NAM Tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi còn thấp, việc quản lý chưa tốt hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật là nguyên nhân dễ bùng phát dịch bệnh ở Quảng Nam.

Hiện, tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi ở Quảng Nam vẫn còn rất thấp. Ảnh: LK.

Hiện, tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi ở Quảng Nam vẫn còn rất thấp. Ảnh: LK.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn khoảng 556.800 con. Trong đó, đàn trâu 56.600 con, đàn bò 178.900 con, đàn heo 321.300 con cùng hơn 8 triệu con gia cầm.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay trên, địa bàn tỉnh đã và đang xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, ở tỉnh Quảng Nam xuất hiện 29 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 28 xã của 8 huyện; 11 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại 11 xã của 5 huyện, thành phố.

26 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ở 26 xã của 6 địa phương; 1 ổ dịch bệnh dại tại phường Cẩm Châu của TP Hội An gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Trên địa bàn tỉnh còn 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày ở xã Bình Lâm (Hiệp Đức) và xã Quế Minh (Quế Sơn).

Những năm qua, để hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh gây ra trên đàn vật nuôi, cũng như các địa phương khác trong cả nước, hàng năm, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức tiêm phòng 2 đợt các loại vacxin lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển.

Do đó, bắt đầu từ tháng 3 đến nay, hoạt động tiêm phòng đã và đang được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh này tích cực triển khai thực hiện.

Thị xã Điện Bàn là địa phương thực hiện rất tốt công tác tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Theo ông Ngô Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thị xã Điện Bàn, ngoài 2 loại vacxin được hỗ trợ chung của toàn tỉnh thì thị xã còn hỗ trợ cho người chăn nuôi tiêm phòng miễn phí thêm 2 loại vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục và tụ huyết trùng.

“Tại địa phương chúng tôi hiện vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình. Do đó, những năm qua, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền cho người dân vai trò của việc tiêm phòng đối với sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm.

Nhờ vậy, ý thức của các hộ dân ngày càng được nâng lên, chấp hành tiêm phòng đầy đủ. Trong vài năm trở lại đây, ít có các loại dịch bệnh nào nguy hiểm, bùng phát trên diện rộng gây thiệt hại kinh tế cho các hộ chăn nuôi”, ông Tân cho biết.

Về công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi trong đợt 1 năm 2024, tính đến cuối tháng 6, Quảng Nam có 52,68% đàn trâu, bò được chích ngừa vacxin lở mồm long móng; 14,66% đàn trâu, bò được tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục; 33,31% đàn heo được chích vacxin dịch tả lợn.

Trong khi đó, bệnh cúm gia cầm chỉ tiêm được hơn 69.000 con trong tổng đàn gần 8 triệu con.

Tỉnh Quảng Nam yêu cần các địa phương khẩn trương đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi. Ảnh: LK.

Tỉnh Quảng Nam yêu cần các địa phương khẩn trương đẩy nhanh công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi. Ảnh: LK.

Đại diện Sở NN-PTNT cho rằng, qua số liệu thống kê thì tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh bắt buộc cho đàn vật nuôi trên địa bàn đạt thấp. Ngoài ra, một số địa phương chưa quản lý tốt hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, nhiều nơi còn bỏ ngỏ công tác quản lý giết mổ động vật... Do đó, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh gây hại đàn vật nuôi của tỉnh là rất lớn.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trường tổ chức tiêm vacxin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 đảm bảo đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn (hoặc đạt 100% tổng đàn trong diện tiêm), nhất là các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm và bệnh dại động vật.

Ngoài ra, các cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến cần thực hiện tốt biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng để diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường. Nhân viên thú y được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giao nhiệm vụ kiểm soát giết mổ thì yêu cầu phải thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định, trong đó lưu ý kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ, khám thân thịt, nội tạng heo trong quá trình giết mổ...

“Đối với những địa phương đang xảy ra dịch tả lợn Châu Phi phải huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy heo nghi mắc bệnh, heo mắc bệnh, heo chết theo đúng quy định.

Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh”, ông Vũ nói.

Sở NN-PTNT Quảng Nam cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ các loại vacxin, hóa chất dự trữ để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tham mưu Sở NN-PTNT thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật ở các địa phương.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.