Vẫn còn hơn 24.600 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ
Sáng 28/6, tại Hà Nội, Hội Chăn nuôi Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Những tồn tại, bất cập về chính sách phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp trong chăn nuôi ở Việt Nam”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Trong chiến lược phát triển chăn nuôi, Quyết định 1520 Thủ tướng phê duyệt 4 đề án, gồm: Công nghiệp giống, công nghiệp thức ăn chăn nuôi, công nghiệp chuồng trại và công nghiệp giết mổ. Rõ ràng Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành đều đánh giá rằng, vấn đề giết mổ tập trung công nghiệp là một nội dung cấu thành ngành công nghiệp hóa của ngành chăn nuôi và thú y”.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam thông tin, cả nước hiện nay có 385 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi đó số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ lên đến 24.654. Hiện nay, các cơ quan quản lý mới kiểm soát được khoảng 18,6% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam nói: “Một con lợn giết mổ trong nhà máy công nghiệp mất ít nhất trên dưới 100.000 đồng, nhưng giết mổ chui, giết mổ tự do chỉ một can nước là xong, chỉ mất 20.000 - 30.000 đồng”.
Ông Sơn chỉ ra hàng loạt bất cập trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay như: Quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc quản lý chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ hoạt động không phép, vi phạm quy định.
Hệ thống phát luật về giết mổ còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp với thực tế. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Nguồn nhân lực, nhất là hệ thống thú y, huyện, xã đang có nhiều bất cập. Chính sách hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung không phù hợp, thiếu hiệu quả. Thủ tục rườm rà, không thu hút được doanh nghiệp.
Quá tốn kém đầu tư cho cơ sở giết mổ đủ điều kiện, đặc biệt là vấn đề liên quan đến xử lý môi trường, trong khi đó chính sách hỗ trợ chưa phù hợp. Ông Sơn nói: “Đầu tư một cơ sở giết mổ công nghiệp bây giờ tốn vài chục tỷ đồng nên không ai dám đầu tư”.
Đặc biệt, ông Sơn cho rằng, hiện nay phí giết mổ công nghiệp và giết mổ tự do hay gọi là giết mổ chui quá chênh lệch. Ông Sơn dẫn chứng: “Một con lợn giết mổ trong nhà máy công nghiệp mất ít nhất trên dưới 100.000 đồng, nhưng giết mổ chui, giết mổ tự do chỉ một can nước là xong, chỉ mất 20.000 - 30.000 đồng”.
Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục Thú y (Bộ NN-PTTN) cho hay, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng giết mổ không phép sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở giết mổ tập trung, dẫn đến các cơ sở giết mổ tập trung hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sắp xếp và chấn chỉnh công tác kiểm soát giết mổ tại địa phương, tạo tâm lý kém tin tưởng vào hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, e ngại tham gia đầu tư lĩnh vực này.
Theo bà Bình, số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động còn thấp, chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với công suất thiết kế.
Ngoài ra, bà Bình cho rằng, một trong những khó khăn, tồn tại, bất cập nữa là hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại các địa phương đang có xáo trộn do việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Điều này đang gây nhiều khó khăn, bất cập trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm soát vệ sinh thú y và quản lý an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Quan trọng vẫn là người tiêu dùng
Ông Đào Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vinh Anh, chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi là cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tiên sát nhập về Hà Nội, vốn đầu tư 100 tỷ đồng, trong đó có sự hỗ trợ vay vốn của Nhà nước là 37 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi là 3,6%/năm và được hỗ trợ toàn bộ hệ thống xử lý nước thải 16 tỷ đồng do vốn ngân sách của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên sau gần 10 năm hoạt động hiện tại chúng tôi rất vất vả”.
Ông Vinh cho hay, gần như trong 10 năm qua, công suất hoạt động thời điểm cao nhất mới chỉ đạt được 30%, hiện chỉ đạt 20%.
Ông Vinh phân tích, những cái khó, bất cập đối với các cơ sở giết mổ tập trung chính là chi phí đang quá cao so với giết mổ nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, tất cả sản phẩm giết mổ công nghiệp hiện nay đều là thịt mát, nhưng đa số người tiêu dùng lại vẫn đang chủ yếu có thói quen tiêu thụ thịt nóng, chưa hiểu hết tầm quan trọng của thịt mát.
“Ngoài vấn đề chi phí cao thì các nhà máy giết mổ công nghiệp lại không thể sản xuất ra sản phẩm thịt nóng, vì thế sản phẩm đưa ra thị trường không phù hợp ở chợ truyền thống, trong khi đó thị trường này chiếm đến 80% sản phẩm thịt lợn hiện nay”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, trước mắt cần đẩy mạnh quản lý giết mổ tập trung để kiểm soát được dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Nhưng bước quan trọng nhất để giết mổ công nghiệp hoạt động được là phải làm sao tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của thịt mát.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, giết mổ công nghiệp so với giết mổ nhỏ lẻ khác nhau rất nhiều. Chi phí cho giết mổ tập trung công nghiệp rất cao, thế thì mới tạo ra được những sản phẩm an toàn vệ sinh, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Ông Dương nói: “Chúng ta phải nhìn nhận giết mổ tập trung công nghiệp chi phí cao hơn nhưng nó đạt được nhiều tiêu chí tốt như vậy, để cho người tiêu dùng được sử dụng một thực phẩm an lành hơn rất nhiều”.
“Trước hết phải thay đổi nhận thức từ các bộ, ngành, địa phương và người tiêu dùng đối với hoạt động giết mổ tập trung công nghiệp, trân trọng những sản phẩm giết mổ tập trung công nghiệp. Sau khi nhận thức thay đổi thì cần phải hành động ngay, cần có những chính sách khuyến khích phát triển giết mổ tập trung. Người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen, cần sử dụng các sản phẩm thực phẩm giết mổ có địa chỉ, có kiểm soát, đặc biệt là thịt mát…”, ông Dương nhấn mạnh.