Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng hơn 79%. Làng rau cần Khai Thái tất bật vụ rau Tết. Lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn lậu động vật. Trồng rừng FSC tăng thu nhập cho nông dân.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng hơn 79%
Minh Phúc khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất khẩunông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi giá trị nhập khẩu 3,72 tỷ USD. Như vậy, giá trị nông lâm thủy sản xuất siêu tháng đầu năm 2024 đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tất cả các nhóm hàng đều tăng, cụ thể, lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản dồi dào, bảo đảm phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, giá cả không biến động nhiều thậm chí một số mặt hàng giảm do người dân thay đổi thói quen tiêu dùng.
Làng rau cần Khai Thái tất bật vụ rau Tết
Hùng Khang sx
Thôn Khang Thái, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội được biết đến là thủ phủ rau cần của thủ đô. Những ngày cận Tết, tại đây người dân tấp nập ở ngoài đồng để thu hoạch rau.
Nghề trồng rau cần đã có hơn 10 năm nay. Ban đầu chỉ có một số hộ gia đình trồng ở những thửa ruộng trũng. Nhận thấy cây rau phát triển tốt và cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa nên các hộ khác cũng học theo. Đến nay, toàn xã đã có hơn 300 hộ chuyên canh rau cần với diện tích trên 30ha. Ngay từ cuối tháng 11 người dân Khai Thái đã tập trung chăm sóc rau cần để phục vụ thị trường Tết.
Rau cần sẽ cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 3 âm lịch năm sau. Mỗi lứa rau cần phải mất từ 30 – 40 ngày, như vậy người dân sẽ thu được 6 lứa/năm. Với giá trung bình từ bán từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy theo thời điểm.
Lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn lậu động vật
Minh Phúc khai thác
Trước tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, lợn, gia cầm, tôm hùm giống qua biên giới vào Việt Nam thời gian qua diễn ra phức tạp, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Nam giáp biên giới với Campuchia và Lào, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi, Tai xanh, Cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, nguy cơ ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới, hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, giấy tờ kiểm dịch động vật để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Trồng rừng FSC tăng thu nhập cho nông dân
Quốc Toản sx
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 647 nghìn ha rừng, trong đó có gần 400 nghìn ha rừng tự nhiên và 255 nghìn ha rừng trồng. Sau nhiều năm triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hơn 28,4 nghìn ha với 4.670 hộ đã được cấp chứng chỉ FSC, trong đó có 7 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các nhà máy chế biến như Công ty Cổ phần Xuân Sơn, Công ty CP Ngọc Sơn, Công ty CP BWG Mai Châu, Công ty CP Đại Minh…
Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC cho sản lượng gỗ từ 120-130m3/ha. Giá trị gỗ trên đơn vị diện tích tăng khoảng 30% so với trồng rừng truyền thống. Đặc biệt, giá cả và thị trường xuất khẩu gỗ luôn ổn định, tạo thu nhập cao, bền vững cho người trồng rừng.