Kim ngạch xuất khẩu phân bón các loại giảm tới 40,7% trong năm 2023. Thái Nguyên cải tạo đất trồng chè thoái hóa. Không khí lạnh cực mạnh đang về, vùng núi có thể mưa tuyết. EVN kiến nghị các địa phương tận dụng lấy nước tối đa từ hồ thủy điện.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU PHÂN BÓN CÁC LOẠI GIẢM TỚI 40,7% TRONG 2023
Quang Linh khai thác
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 1,55 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 649 triệu USD, giá trung bình 419,6 USD/tấn, giảm 11,7% về khối lượng, giảm 40,7% về kim ngạch và giảm 32,9% về giá so với năm 2022.
Các thị trường nhập khẩu phân bón chính của Việt Nam như Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia đều ghi nhận mức giảm mạnh về kim ngạch so với năm 2022.
Trước đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón supe lân là 0% do: năng lực sản xuất dư thừa, cần phải có đầu ra xuất khẩu để các doanh nghiệp sản xuất phân bón tồn tại để phục vụ nhu cầu trong nước. xuất khẩu phân bón
Bên cạnh đó, kiến nghị điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phân bón urê là 5% do năng lực sản xuất dư thừa và áp lực cạnh tranh khi Brunei gia nhập thị trường phân bón.
THÁI NGUYÊN CẢI TẠO ĐẤT TRỒNG CHÈ THOÁI HÓA
Quang Linh sản xuất
Trước thực trạng nhiều đồi chè trung du trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị suy thoái, thiếu dinh dưỡng do nông dân chưa chú trọng đầu tư thâm canh, cải tạo đất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp Công ty Nông nghiệp xanh Bạch Dương triển khai mô hình ứng dụng phân bón chuyên giải độc và cải tạo đất, đẩy nhanh quá trình cân bằng hệ sinh thái tạo điều kiện phát triển bộ rễ trên cây chè tại các hợp tác xã và nông hộ.
24 hộ tham gia mô hình với quy mô 5ha sử dụng phân bón Ivan Ovsinsky Fulvohumate để cải tạo đất do Công ty Nông nghiệp xanh Bạch Dương nhập khẩu và phân phối, thành phần chính bao gồm: Axit Humic, Axit fulvic cùng ph H20.
Sau gần 8 tháng triển khai, với 3 lứa cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi tăng trung bình khoảng 16 đến 39 kg chè mỗi lứa trên diện tích 1.00m2. Bên cạnh đó, bộ rễ phát triển mạnh, búp chè dày và có độ bóng hơn so với đối chứng. Mẫu đất cũng giảm lượng asen, chì và Cadimi cũng như không phát triển dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
KHÔNG KHÍ LẠNH CỰC MẠNH ĐANG VỀ, VÙNG NÚI CÓ THỂ MƯA TUYẾT
Quang Linh khai thác
Theo Trung Tâm dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc Gia, bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ.
Cảnh báo, đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài trong nhiều ngày tới. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.
Ngoài ra, rét đậm, rét hại có khả năng ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
EVN KIẾN NGHỊ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TẬN DỤNG LẤY NƯỚC TỐI ĐA TỪ HỒ THỦY ĐIỆN
Quang Linh khai thác
Theo văn bản thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, thời gian lấy nước gồm 2 đợt với tổng cộng 12 ngày.
- Đợt 1: từ 0h ngày 23/01 đến 24h ngày 30/01/2024 (8 ngày)
- Đợt 2: từ 0h ngày 18/02 đến 24h ngày 21/02/2024 (4 ngày)
Để đảm bảo sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là cần đảm bảo nước các hồ thủy điện để phục vụ cung cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đề nghị UBND các các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND TP Hà Nội sớm triển khai thực hiện các công việc như yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: tổ chức xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp với lịch lấy nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy có nhu cầu lấy nước từ hệ thống sông Hồng trong 2 đợt lấy nước.
Bên cạnh đó, EVN đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngay các địa phương chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi.