Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc hiện đang là một trong 5 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Năm 2022, Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 5 của tôm Việt Nam, với giá trị xuất khẩu đạt 468 triệu USD. 11 tháng đầu năm 2023 Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 4 của tôm Việt Nam, giá trị xuất khẩu đạt 316 triệu USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), báo cáo của Future Market Insights cho thấy, nhu cầu tôm ở Hàn Quốc được dự đoán sẽ tăng trưởng bình quân 8,9%/năm trong giai đoạn 2023 - 2033. Cụ thể, doanh thu bán tôm tại nước này được dự báo sẽ tăng đáng kể, từ mức dự kiến 2,75 tỷ USD năm 2023 lên khoảng 6,45 tỷ USD vào năm 2033.
Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Hàn Quốc ngày càng tăng do các món làm từ tôm ngày càng đa dạng và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chế độ ăn lành mạnh và giàu protein. Việc áp dụng chế độ ăn kiêng của phương Tây ngày càng tăng đã dẫn đến việc kết hợp nhiều món khác nhau vào bữa ăn hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Trong đó, tôm và các công thức nấu ăn từ tôm được đánh giá cao do hương vị đa dạng.
Tôm được coi là nguồn protein tốt cho sức khỏe do hàm lượng chất béo tương đối thấp và hàm lượng protein cao. Tôm cũng chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu như selen và vitamin B12. Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng béo phì ở giới trẻ. Trong bối cảnh như vậy, các món ăn từ tôm có thể sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Hàn Quốc trong những năm tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, cho biết, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tôm ngày càng tăng tại Hàn Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đã tăng khá nhiều trong nhưng năm qua và đã vượt xa mức hạn ngạch cho phép (15.000 tấn/năm với thuế nhập khẩu là 0%) theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Điều này dẫn tới thực trạng các nhà nhập khẩu Hàn Quốc phải “đấu thầu” để có hạn ngạch nhập tôm Việt Nam với chi phí không nhỏ, chiếm 14-16% giá trị lô hàng và mức này xấp xỉ với mức thuế nhập khẩu 20% đối với khối lượng tôm nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc cho rằng dù đã áp dụng VKFTA nhưng do phải bỏ ra chi phí như trên nên khi nhập khẩu tôm Việt Nam vào Hàn Quốc, trên thực tế các nhà nhập khẩu vẫn coi như đang tiếp tục phải trả thuế từ 14 đến 20%, qua đó làm tăng giá và khó cạnh tranh ở thị trường như trước. Hậu quả là các nhà nhập khẩu không còn động lực tăng mua tôm Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi theo VKFTA, và họ đang xem xét mua tôm từ các quốc gia khác (cụ thể là Peru) mà mức thuế nhập khẩu đã về 0% (không có hạn ngạch mà áp dụng thuế về 0% theo lộ trình 5 hoặc 7 năm quy định trong FTA với Hàn Quốc).
VASEP vừa có công văn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm và chỉ đạo về việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong kỳ rà soát VKFTA năm 2024.