Kon Tum đặt mục tiêu có 100 triệu cây sâm Ngọc Linh. Yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay mua lúa gạo. Xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng trưởng 3 con số. Bất chấp cảnh báo, người nuôi tôm tại Long An vẫn tăng diện tích.
KON TUM ĐẶT MỤC TIÊU CÓ 100 TRIỆU CÂY SÂM NGỌC LINH
Nhằm phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 Kon Tum sẽ có 25 nghìn ha các loài cây dược liệu, trong đó, có 10 nghìn ha sâm Ngọc Linh (khoảng 100 triệu cây). Đến nay, Kon Tum đã có khoảng 1.749 ha sâm Ngọc Linh, diện tích dược liệu khác xấp xỉ 5.120 ha.
YÊU CẦU CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐẨY MẠNH CHO VAY MUA LÚA GẠO
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh cho vay thu mua, lúa gạo.Theo đó, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn, đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch vụ đông xuân 2022-2023, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối, làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh lúa, gạo để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ lúa, gạo, đặc biệt là cho vay tạm trữ, xuất khẩu gạo.
XUẤT KHẨU HẠT ĐIỀU SANG TRUNG QUỐC TĂNG TRƯỞNG 3 CON SỐ
Tháng 2/2023, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực và tiềm năng tăng mạnh, trong đó có thị trường Trung Quốc. 3.400 tấn hạt điều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 2, trị giá 21 triệu USD, tăng 231% về lượng và 207% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.Tính chung 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đạt 5 nghìn tấn, trị giá 32 triệu USD,, tăng 123% về lượng và 107% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.Ngoài Trung Quốc, một thị trường khác cũng tăng trưởng 3 con số về xuất khẩu hạt điều trong 2 tháng đầu năm là Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, với mức tăng 177% về lượng và 169% về kim ngạch.
BẤT CHẤP CẢNH BÁO, NGƯỜI NUÔI TÔM TẠI LONG AN VẪN TĂNG DIỆN TÍCH
Nhiều năm nay, tỉnh Long An đã yêu cầu người dân thuộc vùng Đồng Tháp Mười như Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Hưng… không được đào ao nuôi tôm trên nền đất lúa bởi nơi đây là hệ sinh thái nước ngọt. Thế nhưng, người dân vẫn không ngừng phát triển diện tích nuôi, làm ảnh hưởng môi trường, phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa nơi đây.Nguyên nhân của tình trạng này là bởi sản xuất lúa không hiệu quả, trong khi một số mô hình chuyển đổi lại có thu nhập cao nên nông dân ồ ạt thực hiện. Do đó, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương không để phát sinh diện tích nuôi mới. Trường hợp có những hộ nuôi mới phát sinh, UBND Long An giao cho các địa phương xử lý và phải kiên quyết ngay từ đầu, tức là vừa xử lý vi phạm hành chính vừa phải trả lại hiện trạng ban đầu.Theo Sở NN-PTNT Long An, tổng diện tích nuôi tôm sú tại khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh đến nay có khoảng 350 ha, tăng hơn 120 ha so với năm 2021.