Doanh nghiệp đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp tại Krông Pắc. Phải xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi đối với động vật nhập khẩu. Xuất khẩu cao su đạt trên 1 triệu tấn trong 8 tháng. Giá tiêu nội địa giảm trung bình 4.000 đồng/kg.
DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ HƠN 3.000 TỶ ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TẠI KRÔNG PẮC
Doanh nghiệp đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp tại Krông Pắc.
Sáng 2/9, UBND huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản,lĩnh vực nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắc năm 2022. Tại hội nghị, UBND huyện đã ký và trao biên bản đầu tư với 6 doanh nghiệp cho 6 dự án. Trong đó, các dự án lớn như nhà máy thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu nông sản; nhà máy sản xuất bao bì, túi xách; nhà máy sơ chế và đóng gói trái cây xuất khẩu. Tổng mức đầu tư các dự án là hơn 3.000 tỷ đồng.Trước đó, tối qua (1/9), UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức chương trình khai mạc Lễ hội sầu riêng Krông Pắc - lần thứ nhất 2022, với chủ đề “Krông Pắc - khát vọng vươn lên”. Đây được đánh giá là bước ngoặt để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm từ trái sầu riêng của địa phương. Trong chương trình còn diễn ra nhiều hoạt động khác như: Hội chợ triển lãm các sản phẩm OCOP, các sản phẩm trái cây của lĩnh vực nông nghiệp địa phương...
PHẢI XÉT NGHIỆM DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI ĐỐI VỚI ĐỘNG VẬT NHẬP KHẨU
Bộ NN-PTNT vừa ban hành thông tư 09 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.Theo đó, bổ sung các bệnh phải xét nghiệm đối với động vật và động vật nhập khẩu gồm: Dịch tả lợn Châu Phi và Viêm da nổi cục. Căn cứ tình hình dịch bệnh của nước xuất khẩu, Cục Thú y hướng dẫn chỉ tiêu bệnh cần xét nghiệm để kiểm dịch. Trường hợp phát hiện bệnh mới chưa được quy định, Cục Thú y báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, quyết định chỉ tiêu kiểm dịch đối với bệnh mới.Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6/10.
XUẤT KHẨU CAO SU ĐẠT TRÊN 1 TRIỆU TẤN TRONG 8 THÁNG
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 8/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 210.000 tấn, trị giá 320 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 tăng lần lượt 11% và 3%. Nhìn chung, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn, tương ứng 2 tỷ USD. Cao su cũng là một trong 7 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có kim ngạch đạt từ 2 tỷ USD trở lên trong 8 tháng đầu năm.Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất, chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, chiếm 15,4% tổng lượng nhập khẩu cao su của quốc gia này trong 7 tháng qua. Sau Trung Quốc, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ 2 của Việt Nam, tiếp đến là Hàn Quốc, Mỹ…
GIÁ TIÊU NỘI ĐỊA GIẢM TRUNG BÌNH 4.000 ĐỒNG/KG
Kết thúc tháng 8/2022, giá tiêu nội địa giảm trung bình 4.000 đồng/kg. Hiện, cộng đồng Hồ tiêu thế giới niêm yết giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 200 USD/tấn, tương ứng còn 3.550 USD/tấn tiêu đen loại 500g/l, và giảm tới 400 USD với tiêu trắng, tương ứng còn 5.400 USD/tấn.Các chuyên gia nhận định, giá hồ tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay. Các doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua sẽ chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.