Áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa giúp người nông dân thay đổi được tư duy, thói quen lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Kỹ thuật canh tác lúa
Nâng cao hiệu quả sản xuất dựa trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến nhằm giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo chất lượng hạt gạo, an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến được phát triển dựa trên sự cải tiến từ các quy trình thâm canh tổng hợp, canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất.
QUY TRÌNH LÀM ĐẤT
Kỹ thuật làm đất là một trong những yếu tố cần thiết hạn chế sự phát triển cỏ dại, sâu bệnh, nâng cao độ phì nhiêu đất, giúp bộ rễ phát triển, giúp điều tiết nước và hạn chế đổ ngã trên đồng ruộng. Hiện nay, do quá trình thâm canh tăng vụ, khoảng cách giữa 2 vụ lúa liền kề rất ngắn (chỉ từ 15-20 ngày) nên rất dễ gây ngộ độc hữu cơ. Tùy theo điều kiện canh tác 2-3 vụ lúa/năm và điều kiện sinh thái đất khác nhau mà ngành nông nghiệp có các khuyến cáo riêng cho từng vùng.
Trước khi gieo sạ, nông dân cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, lúa chét trên ruộng, xung quanh bờ bao và hệ thống kênh rạch. Rơm rạ trên ruộng có thể loại bỏ ra khỏi ruộng hoặc cày vùi và phun nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh rơm rạ để giảm ngộ độc hữu cơ.
Lưu ý: Đối với những vùng chúng ta trồng 3 vụ lúa/năm do thời gian ngắn nên đối với vụ thu đông mưa nhiều, chúng ta không thể cày đất được, vì vậy, chúng ta nên dùng máy trục 2-3 tác, sau đó trang bằng, đánh rãnh, thoát nước cho đất khô ráo rồi sạ.