| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia Cát Tiên bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững

Chủ Nhật 22/05/2022 , 07:27 (GMT+7)

Vườn quốc gia Cát Tiên bảo tồn đa dạng sinh học, hưởng ứng ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 là “Kiến tạo một tương lai chung cho mọi sự sống”.

Từ năm 2000, ngày 22/5 hàng năm chính thức được lựa chọn để kỷ niệm ngày Công ước về Đa dạng Sinh học (được thông qua hôm 22/5/1992 tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro).

Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 là “Kiến tạo một tương lai chung cho mọi sự sống” (Building a shared future for all life). Thông điệp nhằm hướng đến việc tạo động lực và hỗ trợ cho khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, sẽ được thông qua tại phần hai của Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) tại Côn Minh, Trung Quốc vào cuối năm nay; chủ đề cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau hành động để xây dựng một tương lai cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.

Chủ đề này được đưa ra trong bối cảnh đa dạng sinh học vẫn đang bị suy thoái ở nhiều nơi, ảnh hưởng tới cuộc sống không chỉ của các loài động thực vật hoang dã, mà còn tới sự phát triển bền vững của loài người. Do vậy, xây dựng một tương lai chung bền vững và hài hòa cho tất cả các loài sinh vật trong hệ sinh thái là yêu cầu ngày càng trở nên cấp thiết,

Đa dạng sinh học là nền tảng phát triển bền vững

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trải qua nhiều thập kỷ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật bị đe dọa, và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tăng cường hoạt động bảo vệ rừng và động vật hoang dã có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của nước ta.

Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học là rất cấp thiết trong hiện nay và tương lai. Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu ban hành và tổ chức triển khai nhiều văn bản, chính sách quan trọng nhằm tiếp tục bảo tồn và phát triển bền vững môi trường rừng, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta hiện đang được thực hiện chủ yếu ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu giữ các cánh rừng đang được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, trong số đó, Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang có nhiều hoạt động bảo tồn mang lại hiệu quả cho hệ sinh thái hoang dã cũng như lợi ích thiết thực đối với cộng đồng.

Vườn quốc gia Cát Tiên có đường ranh giới dài trải 3 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, là một trong những khu vực bảo tồn lớn nhất cả nước. Với địa hình đa dạng, đây là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch dụ môi trường rừng và du lịch sinh thái của cả nước.

Về thực vật, Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng số 1.655 loài thuộc 168 họ và 57 bộ khác nhau, chiếm tới 62% tổng số bộ và gần 55% tổng số họ thực vật ở Việt Nam.

Về động vật, Vườn quốc gia Cát Tiên có 1.729 loài động vật, trong đó có một số loài động vật quý hiếm, bị đe dọa ở mức toàn cầu như voi, bò tót, cá sấu nước ngọt, gấu ngựa, chà vá chân đen, trăn đất, trăn gấm ..

Bàu Sấu, VQG Cát Tiên. Ảnh: HN.

Bàu Sấu, VQG Cát Tiên. Ảnh: HN.

Khu vực xung quanh Vườn có mật độ dân cư sinh sống còn khá cao, cuộc sống của người dân trong vùng lõi, vùng đệm của Vườn còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, điều này cũng tạo sức ép lớn lên công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Các hoạt động khai thác lâm sản trái phép quy mô nhỏ vẫn còn xảy ra. Vườn vẫn đang phải đối diện với một số nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế mất rừng, suy thoái rừng và suy giảm đa dạng sinh học.

Rừng là nhà, con người và động vật là chủ nhân

Trong những năm qua, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên được Vườn quốc gia Cát Tiên bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có hơn 31.600 ha đã được ký hợp đồng khoán bảo vệ với 45 tổ với hơn 1.200 hộ nhận khoán và 02 đơn vị tập thể Công an, Ban chỉ huy quân sự huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, lực lượng của Vườn tự bảo vệ là hơn 47.000 ha. Kết quả kiểm tra hàng năm đều cho thấy các cá nhân, tổ chức được giao bảo vệ rừng thực hiện khá tốt các công việc đã cam kết, không để bị mất rừng, suy thoái rừng. Nhờ thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng, ý thức người dân trong bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao, bên cạnh đó thu nhập của người dân cũng được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng.

Chính nhờ công tác bảo tồn hiệu quả, gìn giữ được hệ sinh thái với các loài động, thực vật phong phú, Cát Tiên là điểm du lịch ngày càng hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Sau khi dịch bệnh liên quan tới Covid-19 được kiểm soát, khách du lịch đến thăm quan Cát Tiên đã dần trở lại đông đúc, đặc biệt là trong mùa hoa muồng hoa đào (vào tháng 4 - 5 hàng năm), một trong những đặc sản của Cát Tiên.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết: “Với nỗ lực của viên chức, người lao động, sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng, đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên đã và đang được bảo vệ rất hiệu quả. Hiện nay Cát Tiên là nơi đầu tiên tại Việt Nam mà cộng đồng và động vật hoang dã đang có mối quan hệ hòa hợp. Đây là nơi duy nhất trong nước mà khách du lịch dễ dàng quan sát được động vật hoang dã trực tiếp ngoài thiên nhiên”.

Đàn nai hoang dã tại Cát Tiên. Ảnh: © USAID / WWF-Việt Nam.

Đàn nai hoang dã tại Cát Tiên. Ảnh: © USAID / WWF-Việt Nam.

Hiện nay, Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án nghiên cứu về thực vật rừng, động vật rừng, các loài thủy sản, nấm… để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, phục hồi loài, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

Vườn cũng hợp tác với các dự án về bảo tồn, trong đó có Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ để triển khai các hoạt động đồng bộ từ phát triển sinh kế, tăng cường năng lực về quản lý, giám sát đa dạng sinh học, cũng như tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo tồn tại thực địa cũng như truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, cán bộ văn hóa xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai cho biết: “Qua các hoạt động truyền thông mình đã thấy có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của cộng đồng. Bên cạnh đó chị em phụ nữ trong thôn cũng tham gia vào các hoạt động sinh kế do Vườn và địa phương tổ chức như dệt thổ cẩm, du lịch… Nhờ đó mà các hoạt động xâm hại rừng đã giảm đi và chỉ còn rất hạn chế”.

Chị Ánh Tuyết cũng là một trong các thành viên chủ chốt của Nhóm bảo tồn cộng đồng tại Tà Lài, được thành lập với sự hỗ trợ của Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học. Dự kiến trong năm 2022 nhóm sẽ triển khai các hoạt động truyền thông sâu sát tới cộng đồng để dần loại bảo các vi phạm về bảo tồn.

Vườn quốc gia Cát Tiên hướng đến phát triển bền vững

Để đảm bảo hiệu quả lâu dài của các hoạt động bảo tồn, điều quan trọng là tạo được nguồn sinh kế bền vững cho cộng đồng sinh sống xung quanh vườn. Hiện tại, bên cạnh hoạt động du lịch sinh thái, Vườn quốc gia Cát Tiên đang nghiên cứu hướng dẫn người dân nhân rộng mô hình trồng nấm với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam và Ban quản lý các Dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học.

Dự kiến các loài nấm giá trị cao như nấm hương, linh chi… sẽ dần trở thành đặc sản của Cát Tiên, góp phần tăng thu nhập cho người dân, cũng như tạo được nguồn tài chính bền vững để đầu tư cho các hoạt động bảo tồn tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Điều này sẽ củng cố sự hòa hợp của cộng đồng với thiên nhiên, hệ sinh thái và các loài hoang dã nơi đây.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.