Các lực lượng nòng cốt như Chi cục thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý cảng cá siết chặt việc chấp hành quy định IUU trước khi cho tàu cá vươn khơi.
Những ngày cuối tháng 3, tranh thủ tàu thuyền cập bến đổ hàng, các lực lượng chức năng thuộc Sở NN-PTNT và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đến từng tàu cá, gặp từng ngư dân để phổ biến các quy định của pháp luật về phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, kết hợp kiểm tra trang thiết bị giám sát hành trình, ghi nhật ký khai thác quản lý tàu cá. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm về chấp hành pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển cho bà con ngư dân.
Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG - Ngư dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh
Mình làm đúng pháp luật lúc mình đi, mình về cán bộ kiểm soát người, tàu thuyền. Tàu máy lớn, máy nhỏ đánh đúng nơi đúng chỗ, không xâm phạm nhau, không gây va chạm, thứ hai nguồn lợi thủy sản mình đánh bắt hợp pháp nó sinh sôi nảy nở nhiều.
Trung tá NGUYỄN VŨ PHONG - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót, BĐBP Hà Tĩnh
Chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát ra vào cửa lạch của các phương tiên. Đồng thời tổ chức tuần tra, đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm của ngư dân. Bằng những biện pháp như vậy trong thời gian qua nhận thức ngư dân trong chấp hành quy định về IUU đã có chuyển biến rõ rệt.
Không chỉ tuyên truyền lưu động, trực tiếp, trên loa phát thanh, phát tờ rơi, Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh còn xây dựng phần mềm dữ liệu để quản lý tàu cá trên máy tính… Phần mềm này không chỉ giúp đơn vị nắm bắt chính xác số lượng tàu cá ra vào cảng, mà còn biết sản lượng, chất lượng và chủng loại thủy sản đánh bắt về, từ đó nâng cao năng lực quản lý các đội tàu.
Ông THÂN QUỐC TẾ - Phó giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh
Các thông tin, chuyến biển của tàu thuyền được đưa vào phần mềm máy tính, qua đó việc kiểm soát hồ sơ thủ tục cũng như thông tin về chuyến biển của ngư dân được nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 4.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản trên biển, trong đó có hơn 370 phương tiện đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 CV.
Ngoài việc tuyên truyền, yêu cầu ngư dân ký cam kết không vi phạm pháp luật trên biển, các lực lượng chức năng đã tăng mức xử phạt, tịch thu các phương tiện đánh bắt sai quy định. Bên cạnh đó, địa phương này yêu cầu các lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý tàu cá đánh bắt trên biển, nhằm phát hiện sớm những hành vi vi phạm. Huy động ngư dân cùng chủ động bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như thương hiệu thủy sản Việt Nam.