| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU - Mệnh lệnh vì lợi ích quốc gia

Hết ám ảnh tàu giã cào

Thứ Năm 30/03/2023 , 14:14 (GMT+7)

Những năm 2018, 2019 tàu giã cào quần thảo trên vùng biển Hà Tĩnh như nấm, nhưng sau 3 năm đẩy mạnh truy quét, đội tàu này đã giảm khoảng 70% so với trước.

Vắng bóng tàu giã cào

Còn nhớ trong nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh những năm 2018, 2019, đến phiên chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT, nghị trường luôn “nóng” tình trạng tàu giã cào đánh bắt ven bờ, vùng lộng, tận diệt nguồn thủy sản, gây bức xúc trong nhân dân. Lúc bấy giờ cũng là thời điểm ngành thủy sản tập trung thực hiện các giải pháp nỗ lực gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (chống khai thác IUU).

Empty

Tàu giã cào khai thác tận diệt từng là nỗi ám ảnh của ngư dân khai thác vùng lộng ở Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch 328, về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh: “Tỷ lệ tàu giã cào đánh bắt sai vùng, sai tuyến, sử dụng chất nổ, ngư cụ cấm hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh thời điểm này đã giảm khoảng 70% so với những năm 2018, 2019. Tuy nhiên, việc tuần tra, truy quét chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tránh trường hợp lực lượng chức năng lơi ra, ngư dân lại vi phạm.

Liên ngành các lực lượng NN-PTNT, Thông tin và Truyền thông, Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), chính quyền các địa phương được phân công nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó, vai trò chính trong việc truy quét tàu giã cào được giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đảm nhận.

Theo Đại tá Nguyễn Mậu Phúc, Chủ nhiệm Chính trị (BĐBP Hà Tĩnh), trách nhiệm chính trong việc chống thai thác thủy sản bất hợp pháp là của ngành NN-PTNT, tuy nhiên, quá trình phối hợp truy quét tàu giã cào trên biển, lực lượng BĐBP đóng vai trò rất quan trọng trong việc trấn áp, răn đe tàu cá vi phạm.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền được các đồn, trạm triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức đã phần nào thay đổi nhận thức cho bà con ngư dân.

"Chúng tôi là những người trực tiếp “gác” ngay cửa biển, nơi ngư dân ra vào khai thác, buôn bán thủy sản nên phần nào thuận lợi trong việc nắm bắt tin báo tội phạm, tàu cá vi phạm để tổ chức truy đuổi, bắt giữ, xử lý”, Đại tá Phúc nói.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, BĐBP Hà Tĩnh bắt giữ 17 vụ/38 tàu giã cào, xử phạt hành chính 469 triệu đồng; năm 2021 bắt giữ 21 vụ/44 phương tiện, xử phạt hơn 447 triệu đồng. Riêng năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 26 vụ việc đối với 33 đối tượng/32 phương tiện; trong đó, lực lượng BĐBP phát hiện, xử lý 16 vụ/25 phương tiện, xử phạt hành chính hơn 436 triệu đồng.

Empty

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Đồn Biên phòng Lạch Kèn và các tổ đồng quản lý nghề cá đã góp phần đấu tranh hiệu quả vấn nạn tàu giã cào. Ảnh: Thanh Nga.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Công Hoàng, vai trò của lực lượng BĐBP trong chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh là không thể thiếu. Lực lượng này đã đồng hành tuyên truyền cho ngư dân về lợi ích của việc không tham gia khai thác IUU, kịp thời ngăn chặn các tàu cá vi phạm IUU, đặc biệt là tàu giã cào, nhờ đó trong những năm gần đây hiện tượng tàu giã cào đánh bắt ven biển Hà Tĩnh đã giảm hẳn.

Đấu tranh thường xuyên, liên tục

Năm 2022, Đồn Biên phòng Lạch Kèn, huyện Nghi Xuân là một trong những đơn vị chủ trì, phối hợp rất tốt với các lực lượng chức năng, ngư dân trong việc phát hiện, bắt giữ tàu giã cào vi phạm quy định Luật Thủy sản.

Empty

Công tác tuần tra, giám sát trên biển được BĐBP tổ chức thường xuyên, liên tục.  Ảnh: BĐBP cung cấp.

Theo Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới bờ biển dài 32 km với 9 xã ven biển của huyện Nghi Xuân. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên phát hiện tàu cá ngoại tỉnh, đặc biệt là tàu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… khai thác thủy sản trái phép, đáng chú ý là hoạt động của đội tàu giã cào công suất lớn đánh bắt sai vùng, sai tuyến, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cạn kiệt tài nguyên, kéo mất ngư lưới cụ của ngư dân đánh bắt truyền thống ven bờ và vùng lộng.

Để ngăn chặn thực trạng trên, các chiến sỹ đồn Biên phòng Lạch Kèn thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Xuân, các tổ đồng nghề cá tuần tra trên biển để duy trì an ninh trật tự; kịp thời phát hiện, bắt giữ các tàu cá vi phạm.

"Từ 2019 đến nay chúng tôi đã bắt giữ, xử lý 39 vụ/39 phương tiện khai thác thủy sản trái phép, xử phạt vi phạm hành chính hơn 538 triệu đồng. Việc đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng đã góp phần đẩy lùi vi phạm của đội tàu giã cào, hạn chế xung đột trên biển giữa ngư dân trên địa bàn và ngư dân ngoại tỉnh liên quan đến việc khai thác trên biển”, ông Hùng nói.

Theo Trung tá Hùng, quá trình truy quét, không ít tàu cá vi phạm có hành vi chống đối, cản trở lực lượng chức năng. Điển hình như vụ việc xảy ra năm 2020. Trong quá trình tuần tra đơn vị phát hiện một cặp tàu giã cào của ngư dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đang có hành vi khai thác thủy sản trái phép, khi cơ quan chức năng yêu cầu dừng lại kiểm tra thì chủ tàu và các thuyền viên lợi dụng đêm tối, tắt hết các thiết bị ánh sáng, lái tàu bỏ chạy. Lực lượng tuần tra phải xin chi viện lực lượng, phương tiện và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ truy đuổi, bắt giữ.

Empty

Tàu giã cào đôi khai thác sai vùng, sai tuyến bị bộ đội biên phòng đồn Thiên Cầm bắt giữ, xử phạt nghiêm minh. Ảnh: Thanh Nga.

Cũng là một trong những đồn trọng yếu quản lý số lượng ngư dân tham gia nghề biển khá lớn, Đồn Biên phòng Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên xác định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa bảo vệ chủ quyền biển bảo.

Trung tá Hoàng Minh Thảo, Đồn trưởng đồn Biên phòng Thiên Cầm - người trực tiếp bắt giữ gần 10 vụ tàu giã cào vi phạm quy định về khai thác thủy sản cho rằng, để truy quét tàu giã cào đạt hiệu quả, trước hết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân; sau đó xây dựng nguồn tin trên biển. Khi phát hiện tàu cá vi phạm, BĐBP không kể ngày đêm, thuê tàu cá của ngư dân để tiếp cận, bắt giữ tàu vi phạm.

“Khó khăn trong bắt tàu giã cào là họ hoạt động vào ban đêm, tàu của ngư dân lớn hơn tàu của lực lượng chức năng; đặc biệt, khi triển khai vây bắt dễ bị tàu vi phạm phát hiện, cắt lưới bỏ chạy”, Trung tá Thảo nói.

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thiên Cầm nhớ lại, hồi tháng 3/2020, tại vùng biển Cửa Nhượng, cách bờ khoảng 2 hải lý, lực lượng chức năng đang tuần tra kiểm soát trên biển thì phát hiện, bắt quả tang 2 tàu đôi có công suất gần 2.000 CV của tỉnh Nghệ An đang có hành vi khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào (tận diệt) sai vùng biển quy định.

Khi lực lượng biên phòng phát tín hiệu yêu cầu phương tiện dừng lại, lợi dụng đêm tối 2 tàu cá không những không chấp hành mà còn cho tàu tăng tốc bỏ chạy, các thuyền viên trên tàu có hành vi chống đối. Lực lượng biên phòng phải nổ súng chỉ thiên liên tục, truy đuổi hơn 1 hải lý 2 tàu cá vi phạm mới chịu dừng lại hợp tác.

Vai trò của lực lượng BĐBP trong chống khai thác IUU là không thể thiếu. Trong ảnh các chiến sỹ Đồn BP Lạch Kèn, huyện Nghi Xuân bắt giữ tàu cá đánh bắt trái quy định. Ảnh: BĐBP cung cấp.

Vai trò của lực lượng BĐBP trong chống khai thác IUU là không thể thiếu. Ảnh: BĐBP cung cấp.

Quay lại đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Hà Tĩnh và Chủ nhiệm chính trị (BĐBP Hà Tĩnh), mặc dù tỷ lệ tàu giã cào vi phạm quy định về khai thác thủy sản trên vùng biển Hà Tĩnh đã “co” lại và giảm dần theo từng năm, tuy nhiên, về lâu dài, muốn bền vững thì cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, truy quét thường xuyên, liên tục, đặc biệt là những tháng cao điểm mùa cá sinh sản.

Hơn hết, ngư dân phải ý thức được rằng, việc chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản chính là bảo vệ “miếng cơm manh áo” của bà con, chung tay nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2023.

Năm 2021, Đồn Biên phòng Thiên Cầm đã ngăn chặn được 15 vụ tàu giã cào vi phạm, xử phạt 165 triệu đồng; năm 2022 bắt 4 vụ giã điện, xử phạt hành chính 43 triệu đồng, góp phần bảo vệ ngư trường vùng lộng cho ngư dân Cẩm Xuyên nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.