Lộ diện nhà đầu tư dự án nuôi tôm công nghệ cao 1.177 tỷ đồng. Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại một số tỉnh. Giá ếch nuôi cao nhất trong 3 tháng. Nông dân Sơn La làm giàu từ cây dâu tây.
LỘ DIỆN NHÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO HƠN 1.177 TỶ ĐỒNG
Theo ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, UBND tỉnh vừa phê duyệt Công ty trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận là nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với diện tích đất sử dụng gần 219 ha.
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự kiến tháng 6/2028, Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoàn thành và vận hành đi vào hoạt động toàn bộ.
Các hạng mục đầu tư của Dự án bao gồm nhà máychế biến tômcông suất 20.000 tấn tôm thương phẩm một năm; nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100 nghìn tấn một năm; khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt 7.000 tấn nguyên liệu tôm một năm; khu sản xuất tôm giống thẻ chân trắng với công suất 2 tỷ con giống mỗi năm và trạm bơm nước biển.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.177 tỷ đồng và sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 2.500 người.
DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI LAN RỘNG TẠI MỘT SỐ TỈNH
Tính đến ngày 23/11, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát và lây lan rộng ra 22 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị ở tỉnh Quảng Trị với số lợn bệnh, tiêu hủy gần 880 con có tổng trọng lượng trên 41 tấn.
Còn theo thống kê từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chỉ sau 2 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên, đến ngày 25/11, toàn thành phố đã có 8 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Số lượng lợn buộc phải tiêu hủy là 322 con, tổng trọng lượng trên 21 tấn.
Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát và lây lan nhanh là do người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức tốt biện pháp phòng chống, còn tình trạng giấu dịch, không báo cáo cơ quan chức năng.
Đợt mưa lũ tháng 10 và giữa tháng 11 đã tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát tán và lây lan nhanh, nhất là xuất hiện tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường.
GIÁ ẾCH NUÔI CAO NHẤT TRONG 3 THÁNG
So với cách nay khoảng 1 tháng, giá ếch nuôi tại nhiều địa phương vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long đã tăng thêm từ 2.000 đến 5.000 đồng một kg và đang ở mức cao nhất trong khoảng 3 tháng qua. Hiện giá ếch thịt loại 2 đến 7 con một kg được nông dân tại nhiều nơi bán cho thương lái ở mức 41.000 đến 45.000 đồng một kg.
Như vậy, trong hơn 2 tháng qua, giá ếch nuôi tại nhiều địa phương đã tăng tổng cộng khoảng 10.000 đồng một kg so với thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9. Giá tăng do nguồn cung giảm và nhu cầu ếch thịt phục vụ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa lớn.
Hiện nay bước vào mùa lạnh, ếch khó nuôi và chậm lớn; lượng ếch đồng đánh bắt trong tự nhiên cũng giảm, tạo điều kiện cho giá ếch nhích lên.
NÔNG DÂN SƠN LA LÀM GIÀU TỪ CÂY DÂU
Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 400 ha trồng dâu tây, sản lượng ước đạt trên 3.500 tấn quả tươi, tập trung ở 3 huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Yên Châu. Cây dâu tây thường được trồng trên những triền đồi thoai thoải, trải rộng mênh mông.
Nhờ mức giá giao động từ 150.000 đến 300.000 đồng một kg, trung bình mỗi vụ, vườn dâu tây đã đem lại thu nhập cho các trang trại hàng tỷ đồng.
Với định hướng phát triển vùng cây dâu tây gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp Sơn La đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
Để phát triển cây dâu tây mang tính bền vững, cũng như mang lại giá trị cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các trung tâm xúc tiến liên kết đầu tư hỗ trợ bà con về kỹ thuật, cũng như có hợp đồng bao tiêu để nông dân an tâm sản xuất.