Phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ. Giá cà phê Robusta tăng mạnh sau dự báo Việt Nam mất mùa. Lợi nhuận nông dân trồng lúa giảm so với 10 năm trước. Chỉ 10% HTX được vay vốn của các quỹ phát triển.
Phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ
Phương Chi sx
Ngày 25/11, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, qua đó các đại biểu tập trung bàn các giải pháp gỡ khó cho tôm hùm nuôi, nhất là mặt hàng tôm hùm bông đang bị “ách tắc” xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, phát triển ngành nuôi biển biển ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, khó phát triển đồng bộ. Công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khoẻ và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế; Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ (hệ thống lồng nuôi; thiết bị quan trắc và giám sát môi trường, dịch bệnh) chưa phát triển đồng bộ...
Do đó để phát triển ngành nuôi biển trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cần phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới...
Tin 2: Giá cà phê Robusta tăng mạnh sau dự báo Việt Nam mất mùa
Giá cà phê Robusta hôm nay tăng mạnh sau dự báo Việt Nam mất mùa
Thị trường cà phê trong nước quay đầu tăng so với cùng thời điểm hôm qua. Cụ thể tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 57.700 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar, Ea H'leo (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay dao động ở mức 58.400 đồng/kg - 58.500 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 58.300 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã điều chỉnh dự báo sản lượng của Việt Nam giảm hơn 12% do thời tiết bất lợi và diện tích trồng đã được xen canh khá nhiều, trong khi những diện tích tái canh các năm qua bắt đầu cho năng suất cao, trái với dự báo sản lượng giảm chỉ khoảng 10% từ các thương nhân trong nước và của Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa).
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo tổng sản lượng của Indonesia, nhà sản xuất Robusta lớn thứ ba thế giới sẽ giảm 18,14% so với niên vụ cà phê 2022/2023 trước đó, xuống ở mức 9,7 triệu bao. Dự kiến Indonesia sẽ ưu tiên cà phê nguyên liệu cho ngành công nghiệp trong nước, chỉ dành cho xuất khẩu khoảng 5 triệu bao cà phê hạt, giảm tới 35,02% so với niên vụ trước.
Tin 3: Lợi nhuận nông dân trồng lúa giảm hơn so với 10 năm trước
Tại hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” vừa diễn ra ở tỉnh Hậu Giang, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho biết, lợi nhuận của nông dân trồng lúa thu được hiện đã giảm hơn so với 10 năm trước.
Ông cho biết chi phí đầu vào tăng cao, nhất là khi tình trạng nông dân lạm dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật để gia tăng sản lượng càng khiến giá thành sản xuất tăng cao, dẫn đến thu nhập của nông dân sụt giảm.
Trước đó, phát biểu trực tuyến tạo hội thảo này, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, để tăng giá lợi nhuận cần chuyển từ phát triển đơn giá trị sang đa giá trị. Muốn vậy, theo ông, thay vì chỉ sản xuất lúa, thì có thể sản xuất thêm nấm rơm, sử dụng phân hữu cơ từ rơm để giảm chi phí đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và mô hình kinh tế tuần hoàn để gia tăng thu nhập.
Tin 4: Chỉ 10% HTX được vay vốn của các quỹ phát triển HTX
Hoài Thơ khai thác
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với HTX, liên hiệp HTX đạt 6.316 tỷ đồng, với gần 1.200 HTX, liên hiệp HTX còn dư nợ. Tổng dư nợ của HTX, liên hiệp HTX mới chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Còn theo khảo sát của hệ thống Liên minh HTX thì chỉ có khoảng 10% số HTX được vay vốn của các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và địa phương; 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, riêng các HTX nông nghiệp, tỷ lệ này còn thấp.
Điều này cho thấy năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất…của HTX còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay. Ngoài ra, các HTX thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít HTX được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên giá trị thấp. Liên kết trong sản xuất của các HTX còn chưa tương xứng với số lượng, quy mô của HTX hiện nay.