| Hotline: 0983.970.780

Tăng sức khỏe cho đất dốc

Tạo đường đồng mức, giữ thảm cỏ xanh cho măng Bát Độ

Thứ Hai 19/08/2024 , 10:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Tạo đường đồng mức theo hình xoáy ốc, giữ thảm cỏ bề mặt vừa giúp chống xói mòn, rửa trôi trên đất dốc trồng tre Bát Độ, vừa giúp tăng năng suất, chất lượng măng.

Người dân đánh đường đồng mức để trồng tre Bát Độ giúp hạn chế xói mòn, rửa trôi đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân đánh đường đồng mức để trồng tre Bát Độ giúp hạn chế xói mòn, rửa trôi đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Đánh đường đồng mức trồng tre thay quế

Bài liên quan

Huyện Trấn Yên là địa phương có diện tích trồng tre Bát Độ lớn nhất tỉnh Yên Bái với hơn 4.600ha, thị trường tiêu thụ được mở rộng và đã xuất khẩu các sản phẩm măng sang nhiều nước như Đài Loan, Nhật Bản… Chủ trương trồng tre Bát Độ trên đất đồi rừng, khu vực có độ dốc lớn đã mang lại hiệu quả, vừa chống được xói mòn, sạt lở đất, vừa giải được bài toán kinh tế, giúp người dân ở các xã vùng sâu, vùng cao giảm nghèo bền vững.

Để phát triển bền vững cây măng tre Bát Độ trên đất dốc, vừa tăng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đã và đang nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật như tạo đường đồng mức, giữ thảm cỏ xanh, trồng xen cây ngắn ngày để cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu và dinh dưỡng trong đất, tăng năng suất, chất lượng cho măng tre.

Tre Bát Độ trồng sau 1 năm rưỡi đã cho thu hoạch măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Tre Bát Độ trồng sau 1 năm rưỡi đã cho thu hoạch măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Cuối năm 2022, sau khi thu hoạch quế, gia đình ông Bùi Văn Lân ở thôn Tân Việt, xã Quy Mông (huyện Trấn Yên) đã quyết định chuyển đổi hơn 1ha sang trồng tre Bát Độ. Cả quả đồi được ông Lân thuê máy xúc cỡ nhỏ đánh đường đồng mức theo hình xoáy ốc từ trên đỉnh xuống dưới chân đồi. Sau đó ông làm đất, đào hố, ủ phân hữu cơ, đến mùa xuân năm 2023, ông mua củ giống tre Bát Độ về trồng.

Theo chân ông Lân lên đồi thu hoạch măng Bát Độ trong những ngày giữa tháng 8 (tức chỉ sau khoảng 18 tháng từ khi trồng), những bụi tre xanh mướt, măng mọc tua tủa chạy dài theo hàng quấn quanh quả đồi. Giữa các bụi tre là lớp thảm cỏ xanh tạo cảm giác như một khu du lịch sinh thái.

Bài liên quan

Ông Lân chia sẻ, bao đời nay người dân trong xã chủ yếu trồng cây nguyên liệu giấy như keo, bồ đề hoặc trồng quế. Trong các cây trồng này chỉ có cây quế là thu hoạch khá nhất, chu kỳ từ 10 – 15 năm mỗi ha có thể thu được từ 600 – 700 triệu đồng. Còn đối với keo, bồ đề thường có chu kỳ khai thác ngắn hơn, từ 7 – 10 năm nhưng thu nhập chỉ đạt từ 70 - 100 triệu đồng/ha.

Thêm nữa, đối với các loại cây trồng này, trong 3 - 4 năm đầu chăm sóc rất vất vả, đặc biệt là khâu làm cỏ nên người dân thường lạm dụng thuốc trừ cỏ để giảm công lao động. Điều này khiến đất đồi ngày càng chai lì, hệ vi sinh vật trong đất bị tiêu diệt, đất rất dễ bị xói mòn, rửa trôi, sạt lở khi mùa mưa tới.

Một buổi sáng mỗi người có thể thu được cả tạ măng Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Một buổi sáng mỗi người có thể thu được cả tạ măng Bát Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Thấy hiệu quả kinh tế cũng như giá trị bảo vệ môi trường từ cây tre Bát Độ, năm trước gia đình ông Lân đã quyết định trồng tre thay quế, chỉ sau 1 năm rưỡi cây măng tre đã cho thu hoạch. Từ khi bắt đầu vào vụ (từ giữa tháng 6) đến nay, gia đình ông đã thu được hơn 4 tấn măng thương phẩm, giá bán trung bình 5.500 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Chứng kiến ông Lân thoăn thoắt chặt măng, bóc vỏ cho vào gùi, chỉ khoảng 2 phút đã hoàn thành 2 cây măng cao hơn đầu người. Một buổi sáng 2 vợ chồng ông có thể thu hoạch được 2 tạ măng, thu 1 triệu đồng rất dễ dàng. Đây mới chỉ là vụ măng bói nhưng theo dự tính tới hết vụ, khoảng 1ha tre Bát Độ ước cho gia đình ông Lân thu nhập hơn 40 triệu đồng. Những năm tới khi bụi tre phát triển sẽ cho năng suất măng cao hơn nhiều, thu nhập dự kiến đạt từ 70 – 100 triệu đồng/năm.

Hạn chế xói mòn, rửa trôi đất

Theo ông Lân, việc làm đường đồng mức có rất nhiều lợi ích, giống như cách làm ruộng bậc thang của người Mông ở vùng cao. Khi đánh đường đồng mức sẽ đánh từ trên đỉnh đồi xuống, mặt bằng mỗi luống rộng khoảng 2 mét, phía ngoài cao hơn tạo thành bờ. Cách làm này sẽ hạn chế được thấp nhất sự xói mòn, rửa trôi, giúp giữ độ phì nhiêu, dinh dưỡng trong đất để cây tre phát triển tốt.

Việc giữ thảm cỏ bề mặt giúp tăng độ ẩm trong đất, bụi tre phát triển tốt, cho nhiều măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc giữ thảm cỏ bề mặt giúp tăng độ ẩm trong đất, bụi tre phát triển tốt, cho nhiều măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Ngoài ra, để tăng sức khỏe cho đất, mỗi năm ông thường mua phân gà từ các trang trại chăn nuôi ở địa phương về ủ hoai mục và bón cho các khóm tre sau mỗi vụ thu hoạch và trước khi đến mùa măng.

Khoảng cách giữa các khóm tre ông Lân giữ lại thảm cỏ xanh bề mặt, chỉ sử dụng máy phát bỏ cây dại. Phương pháp này giúp giữ được độ ẩm trong vườn tre, giúp cho măng mọc nhiều hơn, củ măng mập hơn.

Thấy cách làm hiệu quả của ông Lân, đầu năm 2024 này, gia đình ông Vũ Giáp Lương ở xã Quy Mông cũng đã chuyển đổi 1,5ha đất đồi trồng quế sang trồng tre Bát Độ. Ở diện tích đồi dốc nên ông Lương áp dụng phương pháp đánh đường đồng mức. Diện tích tre trồng vào tháng giêng đạt tỷ lệ cây sống gần 100%, đến nay đa phần các khóm tre đã phát triển cao hơn đầu người.  

Ông Lương cho biết, trước khi chuyển đổi sang trồng tre Bát Độ ông đã đi tham quan nhiều mô hình ở địa phương. Đối với những diện tích không đánh đường đồng mức, những khóm tre trên đỉnh đồi thường phát triển kém hơn, số lượng măng ít, nhỏ hơn so với những khóm ở ven chân đồi, khu vực có nguồn nước. Việc bón phân cho những khóm tre ở đỉnh đồi cũng không hiệu quả vì sau vài trận mưa lớn sẽ bị rửa trôi.

Diện tích tre Bát Độ mới trồng được 7 tháng được trồng xen cây sắn để giữ ẩm trên đồi dốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện tích tre Bát Độ mới trồng được 7 tháng được trồng xen cây sắn để giữ ẩm trên đồi dốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Vì vậy, việc đánh đường đồng mức tuy tốn chi phí ban đầu nhưng có rất nhiều lợi ích lâu dài, đất không bị xói mòn, bạc màu; việc chăm sóc, bón phân hiệu quả hơn vì không bị rửa trôi. Đặc biệt vào vụ thu hoạch sẽ đỡ vất vả khi có thể đi xe máy lên đỉnh đồi chở măng về.

Cây tre còn nhỏ nên ông Lương trồng xen thêm sắn giữa các hàng tre để có thêm nguồn thức ăn chăn nuôi và giữ độ ẩm cho cây tre sinh trưởng tốt. Sau khi thu hoạch sắn ông sẽ chỉ duy trì thảm cỏ bề mặt để tăng độ ẩm của đất.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất măng

Hiện nay, huyện Trấn Yên đã trở thành vựa măng lớn nhất cả nước, vào vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, các doanh nghiệp, HTX khắp nơi lại tấp nập đổ về thu mua, chế biến măng. Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty Cổ phần Yên Thành, Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam... đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, công nghệ sản xuất, chế biến để xuất khẩu sản phẩm.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích, người dân cũng ngày càng chú trọng trọng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất măng tre trên đất dốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích, người dân cũng ngày càng chú trọng trọng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả sản xuất măng tre trên đất dốc. Ảnh: Thanh Tiến.

Tiềm năng rất lớn, chính vì vậy bên cạnh việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu từ 300 – 400ha mỗi năm, các cấp chính quyền trong huyện cũng chú trọng việc vận động người dân trồng cải tạo các diện tích tre già cỗi đã trồng khoảng 20 năm, cho năng suất, chất lượng kém.

Bên cạnh đó, khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh tre Bát Độ như đánh đường đồng mức, tạo thảm cỏ bề mặt, dọn tỉa, bón phân đúng quy trình để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Lân vui vẻ nói: “Trồng tre Bát Độ khỏe hẳn người ra bởi không còn phải đeo bình phun thuốc trừ cỏ, cây tre cũng ít sâu bệnh hại nên dường như không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sau 1 năm tre đã khép tán nên ít cỏ dại, chỉ cần dọn tỉa củ treo, củ nổi, cây già sau mỗi vụ thu hoạch. Hàng năm cứ đến tháng 6, tháng 7 là lại có thu nhập đều đều, thêm nữa môi trường đất, nước không bị ô nhiễm".

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất