| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục công trình thủy lợi thiệt hại do mưa lũ

Thứ Ba 08/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

Mùa mưa lũ năm nay đã làm nhiều công trình thủy lợi ở Yên Bái bị thiệt hại, các ngành chức năng đang tích cực gia cố, khắc phục để đảm bảo sản xuất.

Mưa lũ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Mưa lũ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng trăm công trình thủy lợi bị thiệt hại do mưa lũ

Công trình thủy lợi Bản Khun 2 ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên gồm đập tràn bê tông và tuyến kênh dẫn dài hơn 1.200 mét, phục vụ tưới tiêu cho gần 26ha lúa 2 vụ và 0,2ha nuôi thủy sản. Đợt mưa lớn cuối tháng 6 vừa qua đã gây sạt taluy âm, làm đứt gãy kênh bê tông dài 30m và có nguy cơ làm sạt tuyến đường bê tông liên thôn.

Công ty TNHH Tân Phú (đơn vị quản lý, vận hành, khai thác các công trình thủy lợi tại tỉnh Yên Bái) đã phối hợp với chính quyền xã khắc phục tạm thời bằng việc lắp đặt 2 đường ống nhựa song song để dẫn nước phục vụ sản xuất trong vụ mùa.

Tuyến mương bị đứt gãy do mưa lũ phải gia cố khắc phục tạm bằng cọc tre, ống nhựa. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuyến mương bị đứt gãy do mưa lũ phải gia cố khắc phục tạm bằng cọc tre, ống nhựa. Ảnh: Thanh Tiến.

Để đảm bảo lâu dài, công ty đã báo cáo Sở NN-PTNT đề nghị tỉnh lập dự án đầu tư, thiết kế sửa chữa bền vững để phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp ổn định và đảm bảo an toàn cho tuyến đường giao thông.

Cũng trong đợt mưa lũ cuối tháng 6, công trình thủy lợi Cỏ Pon (xã Hồng Ca) bị ảnh hưởng thiệt hại. Công trình có quy mô nhỏ với đập đầu mối tạm bằng đá xếp, kênh dẫn dài 600 mét, cấp nước cho gần 2 ha lúa 2 vụ của đồng bào dân tộc Mông trong xã. Mưa lũ đã làm trôi đầu mối tạm, đất đá bồi lấp toàn bộ khu vực đắp đập đầu mối và thủng đáy kênh dẫn.

Trước mắt, đơn vị thủy nông và người dân địa phương đã lấy nguồn nước từ một khe nước khác gần đó, thực hiện vá thủng đáy kênh để dẫn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì vậy để đảm bảo bền vững thì các ngành chức năng cần xây dựng kiên cố đập đầu mối và hơn 700 mét kênh dẫn bằng bê tông.

Đập đấu mối công trình thủy lợi Cỏ Pon (xã Hồng Ca) bị lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Đập đấu mối công trình thủy lợi Cỏ Pon (xã Hồng Ca) bị lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết, trong đợt mưa lũ tháng 6, trên địa bàn xã có 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng do sạt lở, đất đá bồi lấp. Chính quyền xã đã phối hợp với Công ty Tân Phú và người dân khắc phục tạm thời bằng cách lắp ống nhựa, đóng cọc tre và nạo vét bùn đất trên mương để cung ứng nước tưới cho diện tích lúa mùa trên các cánh đồng. Thời gian tới, xã đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí để gia cố, sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp và bị thiệt hại do thiên tai để đảm bảo điều kiện sản xuất lâu dài, an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Khắc phục tạm, chờ đầu tư sửa chữa bền vững

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Tân Phú được giao quản lý trên 3.200 công trình thủy lợi. Trong đó, có 128 hồ chứa, 3.060 đập dâng, 36 trạm bơm và hơn 4.300km kênh mương dẫn nước.

Ông Trần Đức Bẩy, Chủ tịch Công ty TNHH Tân Phú cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm hư hỏng 235 công trình thủy lợi ở tất cả 9 huyện, thị, thành phố.

Sau khi thiên tai xảy ra, đơn vị đã phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra, thống kê các công trình bị ảnh hưởng, báo cáo Sở NN-PTNT và các cơ quan chức năng xây dựng phương án khắc phục. Tại nhiều công trình, công ty đã huy động nhân lực, máy móc khẩn trương tiến hành sửa chữa bằng các biện pháp như: đắp lại đập đầu mối tạm đã bị lũ cuốn trôi bằng rọ đá hoặc bao tải đất, kiên cố các đoạn kênh bị gãy hỏng hoặc thay thế bằng đường ống nhựa, nạo vét bùn đất bồi lấp kênh dẫn, đào xúc đất sạt taluy gây bồi lấp kênh dẫn, đập đầu mối…

Nhiều tuyến kênh mương bị đất đá vùi lấp phải dùng ống nhựa dẫn nước tạm thời. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều tuyến kênh mương bị đất đá vùi lấp phải dùng ống nhựa dẫn nước tạm thời. Ảnh: Thanh Tiến.

Đối với các công trình bị hư hỏng nặng do nguồn kinh phí có hạn, công ty thực hiện gia cố, khắc phục tạm thời, sau đó đề nghị UBND tỉnh Yên Bái xin kinh phí và phương án sửa chữa đảm bảo bền vững.

Còn nhiều công trình nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo phục vụ nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2020 - 2022, từ các nguồn vốn, tỉnh Yên Bái đã đầu tư hơn 250 tỷ đồng để xây dựng kiên cố đập đầu mối, tràn xả lũ, đường quản lý, kênh dẫn của 16 công trình thủy lợi lớn như: Tự Do, Chóp Dù (huyện Trấn Yên), Gốc Nhội, Khe Hoài (huyện Yên Bình), Làng Át, Roong Đen, Tặng An (huyện Lục Yên), Khe Vải, Khe Chinh (huyện Văn Yên)…

Công trình thủy lợi hồ Tự Do (huyện Trấn Yên) được đầu tư hơn 20 tỷ đồng kiên cố đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Công trình thủy lợi hồ Tự Do (huyện Trấn Yên) được đầu tư hơn 20 tỷ đồng kiên cố đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuy nhiên, hiện tại cũng còn có nhiều công trình thủy lợi quy mô nhỏ được xây dựng đã lâu, kết cấu đơn giản, biện pháp thi công trước đây chủ yếu bằng thủ công, nên qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, khó khăn trong công tác quản lý, khai thác và vận hành cung cấp nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và điều tiết, cắt lũ, giảm nhẹ thiệt hại mưa lũ gây ra trong mùa mưa.

Trong khi đó, do tác động của biến đổi khí hậu kéo theo sự gia tăng về tần suất và cường độ mưa lũ, gây áp lực rất lớn đến các công trình, nhất là hồ chứa, đập dâng có tràn xả lũ tạm bằng đất hoặc không có đường quản lý vận hành, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đồ, đập trong mùa mưa lũ.

Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết thêm, thực hiện văn bản số 1188 của Cục Thủy lợi, đơn vị đã chỉ đạo Công ty TNHH Tân Phú tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, bảo đảm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Rà soát các công trình trọng điểm có nguy cơ mất an toàn để chuẩn bị cụ thể phương án bảo đảm an toàn công trình.

Các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình xung yếu trong mùa mưa lũ để có phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Ảnh: Thanh Tiến.

Các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình xung yếu trong mùa mưa lũ để có phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Ảnh: Thanh Tiến.

Thường xuyên tranh thủ vận hành công trình thủy lợi hạ thấp mực nước trong hệ thống kênh mương, ao, hồ, vùng trũng để gia tăng khả năng trữ nước, giảm nguy cơ ngập úng; vận hành tối đa công trình thủy lợi khi xảy ra mưa lớn để tiêu úng. Tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian có mưa bão; bố trí nhân lực thường trực tại công trình, kịp thời phát hiện, xử lý tình huống bất thường theo phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại.

Hàng năm, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn công trình trước và sau mùa mưa lũ, kịp thời sửa chữa các hư hỏng nhỏ, đảm bảo khả năng tích trữ, tưới và tiêu nước của các công trình.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.