Một tập đoàn nhập 600 con lợn cụ kỵ từ Pháp về Thanh Hóa. Thêm 2 quốc gia dừng xuất khẩu gạo. Rau củ tại TP.HCM tăng giá vì mưa kéo dài. Đồng Nai xác định 10 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Một tập đoàn nhập 600 con lợn cụ kỵ từ Pháp về Thanh Hóa
Quốc Toản sx
Ngày 31/7/2023, Công ty Cổ phần DABACO Thanh Hóa (thuộc Tập đoàn Dabaco), xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa nhập lô lợn 630 con cấp lợn cụ kỵ từ Pháp về Trang trại của công ty, nâng tổng đàn lợn cụ kỵ giống của trang trại lên hơn 5,6 nghìn con.
Dự án chăn nuôi của Công ty cổ phần DABACO là dự án trọng điểm về chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng gần 70 nghìn con lợn giống; gần 10 nghìn lợn lợn hậu bị và hơn 150 nghìn con lợn thịt.
Thêm 2 quốc gia dừng xuất khẩu gạo
Nguyễn Thủy khai thác
Cuối tuần qua, thị trường đón nhận thêm thông tin Nga và các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm “bình ổn thị trường nội địa”. Mặc dù nguồn cung gạo từ Nga ra thị trường quốc tế chỉ ở mức thấp và UAE là quốc gia nhập khẩu đến 90% lượng lương thực, nhưng động thái của hai quốc gia này đang tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được nhận định có thể đạt trung bình 600 USD – 700 USD một tấn trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo gia tăng có thể không như kỳ vọng. Bởi lẽ, giá gạo nguyên liệu cũng sẽ tăng theo, thậm chí có thể gặp rủi ro nếu không tìm được đầu ra kịp thời.
Rau củ tại TP.HCM tăng giá vì mưa kéo dài
(Lê Bình - sản xuất)
Trong tháng 7, nhiều khu vực tại TP.HCM cũng như các tỉnh Nam Bộ đã có mưa kéo dài. Điều này khiến nhiều loại rau xanh bị hư hỏng, nguồn cung thiếu dẫn tới giá bán tại các chợ truyền thống tăng cao. Ghi nhận tại các chợ truyền thống, giá nhiều loại rau củ tăng cao. Trong đó, các loại nông sản như cà chua, cải bẹ xanh, xà lách, ớt chuông, súp lơ xanh… tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với 1 tuần trước.
Thông tin từ các chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền cho thấy, cũng do ảnh thưởng thời tiết bão, mưa nhiều nên khiến chất lượng rau xấu hơn và giá nhiều loại rau về chợ đầu mối tăng khá cao so với cách đây vài ngày.
Đồng Nai xác định 10 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Minh Sáng sx
Những năm qua, sản xuất hữu cơ trở thành xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp. Do đó, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai lấy mẫu đất, nước, không khí để xác định các vùng đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Kết quả, toàn tỉnh hiện có 10 khu vực đủ điều kiện phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ thuộc địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, với quy mô hơn 21 ngàn ha. Theo đó, các địa phương đang tích cực tuyên truyền để người dân quan tâm, đầu tư phát triển mô hình sản xuất sạch này. Đến nay, toàn tỉnh có 6 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 12,2 ha, gồm các sản phẩm rau, hồ tiêu, sầu riêng.