Thời gian qua, do mưa kéo dài nên người trồng nhãn ở Sông Mã (Sơn La) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hái và tiêu thụ.
Năm 2023, diện tích nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã hơn 7.500 ha, sản lượng ước đạt hơn 70.000 tấn. Trong đó, nhãn chín sớm hơn 900 ha, chính vụ hơn 6.000 ha, nhãn chín muộn hơn 7 ha. Theo nhiều hợp tác xã và hộ sản xuất tại đây, trà nhãn sớm có giá bán ở mức tương đối cao 40.000-45.000 đồng/kg, có thời điểm 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn thu hoạch nhãn chính vụ, thời tiết liên tục có mưa khiến việc thu hoạch cũng như chế biến nhãn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông LÊ DANH PHÚC
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, huyện Sông Mã, Sơn La
Vụ nhãn năm nay năng suất hơn mọi năm nhưng thời tiết bất cập, đúng vào lúc thu thì nửa tháng nay không có ánh nắng mặt trời, cứ mưa suốt nên bán nhãn tươi không đạt được. Vừa rồi có 2 người bên trung quốc sang liên hệ với Bảo Minh chúng tôi 5 container nhưng thực tế chúng tôi không thể làm được vì mưa, không thể làm cách nào cho quả nhãn khỏi nứt.
Nhiều HTX tại Sông Mã cho biết, chưa thời điểm nào mà thị trường nhãn tươi trong nước lại ảm đạm như hiện tại, thậm chí ảm đạm hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trước đây. Hiện nay, nhãn ăn tươi có giá trung bình từ 9.000-10.000 đồng/kg, hàng chọn từ 15.000-16.000 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước 24.000-25.000 đồng/kg, hàng xô làm long nhãn có giá 6.000-7.000 đồng/kg. Với lượng nhãn chính vụ còn khá nhiều và giá cả không được như mọi năm thì việc sấy long nhãn là một giải pháp mà nhiều HTX và người dân lựa chọn.
Anh LƯỜNG VĂN MƯỜI
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, huyện Sông Mã, Sơn La
HTX chúng tôi tổ chức cho vào quy đổi ra sơ chế long nhãn, công suất của HTX tổng 14 lò đang hoạt động tương đường 17-18 tấn quả tươi/ngày.
Ông NGUYỄN TIẾN HẢI
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, Sơn La
Trong vụ chính ví dụ mùa mưa huyện sông mã đã định hướng tăng cường cải tiến lò sấy nhãn thủ công chuyển sang lò sấy hơi nhiệt sạch, hiện trên địa bàn huyện có trên 3000 lò sấy hơi nhiệt sạch đáp ứng được yêu cầu khi nhãn vào chính vụ. Hàng hoa thì xuất đi các chợ đầu mối, các siêu thị, đối với các kích cỡ không đảm bảo sẽ sơ chế chế biến.
Bên cạnh đó, huyện Sông Mã cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kết nối, đẩy mạnh các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ người dân trong công tác tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích người dân từng bước nâng cao trình độ thâm canh để tạo ra sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và hướng tới xuất khẩu, thay vì tự phát mở rộng thêm diện tích nhưng không quản lý chặt chẽ được về chất lượng.