Năm nay, huyện Sông Mã (Sơn La) có 6.650a/7.500ha nhãn đang cho quả, tổng sản lượng ước đạt trên 70.000 tấn (tăng 10.000 tấn quả so với cùng kỳ năm 2022). Các diện tích trồng nhãn tập trung chủ yếu tại các xã ven sông Mã như Chiềng Khương, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Yên Hưng, Chiềng Sơ và Mường Lầm.
Rộng đường tiêu thụ
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết, ngay từ đầu năm, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm tiêu thụ hết sản lượng nhãn quả sản xuất trên địa bàn. Theo đó, sẽ xuất khẩu khoảng 900 tấn quả tươi sang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và 2.000 tấn long nhãn xuất sang Trung Quốc (tương đương đưa vào chế biến 20.000 tấn quả tươi các loại). Sản lượng còn lại hơn 45.000 tấn cho tiêu thụ trong nước.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Sông Mã khẳng định, kế hoạch trên là hoàn toàn khả thi, bởi trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp đang tiến hành thu mua nhãn xuất khẩu như Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Bắc Giang), Công ty TNHH Kim Nhung (Đồng Tháp), Công ty TNHH Phong Trang, Công ty TNHH Tâm Hữu Dũng, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Cánh đồng vàng và Công ty Mộc Lưu Thạch (Lạng Sơn), Công ty TNHH Việt Nhật và Công ty TNHH MTV Thắm (Hà Nội). Cùng với đó, còn có hệ thống thương lái đông đảo trong và ngoài tỉnh cũng đang tiến hành thu mua, tiêu thụ nhãn.
Đối với sản phẩm long nhãn, toàn huyện có 732 hộ với gần 3.000 lò chế biến nhãn đang tích cực hoạt động từ đầu vụ tới nay, công suất trung bình đạt 120kg long nhãn khô/ngày/hộ. Hiện các cơ sở chế biến long nhãn đã sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ sấy khô long nhãn bằng các nguồn nhiệt lượng sạch như gas, điện hoặc củi.
Với thị trường nội địa, có rất nhiều đơn vị trong huyện đứng ra làm đầu mối thu mua cung ứng nhãn cho các thương lái tỉnh ngoài như HTX Hưng Lộc, HTX An Phú, HTX Cây ăn quả Diên Việt, HTX Tiên Cang, HTX Chiềng Xôm, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, HTX Duy Tuấn và HTX Phúc Vinh.
Điểm đến của nhãn Sông Mã tập trung hầu hết vào các hệ thống Siêu thị Big C, Fivimart, Co.opmart, Vinmart, Vinmart+, Lotte Mart... và các chợ đầu mối Long Biên, Đồng Xuân, Minh Khai, Hà Đông, Yên Sở (Hà Nội); Thổ Tang (Vĩnh Phúc); Hòa Bình (Bắc Ninh); Đông Tảo (Hưng Yên) và một số trung tâm thương mại lớn của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng...
“Năm nay vựa nhãn Hưng Yên mất mùa do thời tiết. Sông Mã có nhiều giống nhãn ngon hơn vượt trội, luôn chín và thu hoạch trước nhãn Hưng Yên khoảng 15 - 20 ngày. Đây cũng là “cửa rộng” cho Sông Mã tiêu thụ nhãn. Hơn nữa, thời vụ thu hoạch nhãn của huyện còn kéo dài tới hết tháng 8 dương lịch”, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Sông Mã khẳng định.
Bước tiến lớn trong tổ chức sản xuất
HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười ở bản Huổi Bó (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã) từ đầu vụ tới nay đã xuất khẩu được trên 10 tấn nhãn quả sang Đức với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg. Đồng thời, chế biến được 10 tấn long nhãn để xuất sang Trung Quốc (tương đương đưa vào chế gần 100 tấn nhãn quả tươi).
Hiện HTX vẫn còn trên 200 tấn quả nhãn cho chế biến và xuất khẩu. Ngoài tiếp tục xuất khẩu nhãn tươi nguyên quả, HTX còn được Công ty Hagimex Hà Nam đặt hàng mua số lượng không hạn chế cùi long nhãn tươi (chưa sấy khô) để đóng lọ xuất khẩu. HTX cho biết lượng nhãn quả chưa thu hoạch sẽ tiếp tục được chế biến thành long nhãn khô và tiêu thụ nội địa.
Ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười cho biết, để xuất khẩu được nhãn quả sang Đức, HTX đã mạnh dạn đưa vào trồng 10ha giống nhãn Ánh Vàng 205 của Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và thâm canh đạt tiêu chuẩn EU. Đây là giống nhãn cho năng suất, chất lượng cao, quả to, mã đẹp, thơm ngon thuộc diện hàng đầu trong các loại nhãn Việt Nam hiện hành. Trước đó, HTX còn được thu hoạch hơn 120 tấn nhãn chín sớm, bán trong nước được giá bình quân 30.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt ngót 2,4 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thủy (thành viên HTX Hoa Mười) cũng phấn khởi cho hay, bà có hơn 1ha giống nhãn chín sớm, thu hoạch từ 15/4 - 25/6, bán với giá 32.000 đồng/kg. Hiện bà Thủy đang khẩn trương chế biến nhãn cho các thành viên trong HTX, mỗi ngày được 300kg long nhãn (3.000kg quả tươi), nếu bán ngay sẽ được 180.000 đồng/kg, nhưng bà Thủy vẫn chờ giá long lên cao hơn.
Tại các khu vực trồng nhãn ở Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Sơ, Chiềng En, Nà Nghịu..., các hộ đều liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu theo mô hình HTX rất rõ nét, hướng tới tối đa hóa giá trị thu hoạch trên từng cây nhãn. Nông dân hiện cũng đã áp dụng các biện pháp rải vụ thu hoạch nhãn bằng cơ cấu các giống nhãn chín sớm, sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GloBlaGAP để xuất khẩu và đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị. Nhiều cơ sở đã đầu tư chế biến sâu thành long nhãn tươi, long nhãn khô các loại; nuôi ong khai thác mật hoa, giúp tăng cường khả năng đậu quả... Tất cả đều giúp tăng các nguồn thu từ trồng thâm canh cây nhãn.
Tìm hiểu tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn huyện Sông Mã, có rất ít quầy/sạp bán buôn hoặc bán lẻ nhãn quả các loại. Người dân ở đây cho biết hiện nay gia đình nào cũng có tối thiểu một vài cây nhãn, những hộ chuyên canh nhãn đều trồng từ 1ha trở lên. Các thương lái muốn mua thường thông qua các HTX đầu mối cung ứng hoặc đến trực tiếp nhà vườn. Đây cũng là nét mới, thuận lợi cho các HTX trồng nhãn thống nhất bán đồng giá, tránh được việc tranh mua, tranh bán cùng sản phẩm vào cùng thời điểm thu hoạch.
“Nhãn là cây ăn quả chính (chiếm hơn 70% diện tích cây ăn quả của huyện) nên luôn được các cấp, ngành của huyện và tỉnh quan tâm thúc đẩy phát triển và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã” năm 2017.
Toàn huyện đã hình thành được 71 HTX nhãn (48 HTX đạt chứng nhận VietGAP) và đã cấp được 48 mã vùng trồng nhãn phục vụ xuất khẩu. Trong đó có 12 mã vùng xuất khẩu sang Mỹ, 23 mã vùng xuất khẩu sang Trung Quốc, 13 mã vùng trồng xuất khẩu sang Úc, New Zealand”, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết.