Trên đường lên thăm các đồi nhãn VietGAP của HTX Hoa Mười ở xã Chiềng Khoong, Sông Mã (Sơn La), chúng tôi luôn phải ở trong tâm trạng thấp thỏm bởi để lên được các nhà vườn này, phải chạy xe máy men theo những lối mòn gồ ghề, khúc khuỷu, rộng bằng già gang tay, chênh vênh trên lưng chừng núi.
Vườn nhãn của anh Lường Văn Mười rộng chừng 5ha ở bên sườn đồi cao gần 200m so với mực nước biển, đất canh tác thuộc loại feralit đỏ vàng giàu dinh dưỡng. Anh Mười kể, đây là phần nương rẫy của thân sinh anh để lại cho con cháu gieo ngô, trồng sắn kiếm sống. Nhưng đến đời anh Mười bị bỏ hoang mất một thời gian dài do có giai đoạn anh bỏ đi làm dịch vụ lái xe taxi, rồi lại về kinh doanh hàng ăn uống, nhưng cuộc sống vẫn “ráo mồ hôi hết tiền”.
Chỉ từ năm 2015, được ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích, hỗ trợ một phần vật tư sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng thâm canh cây nhãn, anh Mười mới có cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình từng bước có tích lũy.
Ban đầu, anh Mười chỉ dám trồng thử 1,3ha giống nhãn chín muộn Khoái Châu (Hưng Yên), vừa làm vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm và cũng chỉ khi thấy đạt hiệu quả cao anh mới mở rộng sản xuất ra toàn bộ diện tích 5ha.
Để chăm sóc kịp thời diện tích trên, thay vì phải xây bể chứa nước, anh Mười đã đào hố lớn giữa vườn, lót bạt nông nghiệp chống thấm, bơm nước từ dưới suối lên trữ đầy, rồi tưới tới từng gốc cây thông qua hệ thống dẫn phun mưa công nghệ Israel.
Để đạt được giá trị cao từ cây nhãn, anh Mười đã tiến hành rải vụ thu hoạch quả bằng cách cơ cấu trồng 30% diện tích giống nhãn chín sớm T6, kết hợp dùng Kaliclrat xử lý 10% các cây nhãn này cho ra hoa đậu quả cực sớm. Nhờ vậy, ngay từ tháng 4 dương lịch, anh đã có nhãn xuất ra thị trường, bán giá cao ngất ngưởng tới 40 - 45 nghìn đồng/kg.
Đặc biệt, từ năm 2021, được cán bộ khuyến nông phổ biến về giống nhãn Ánh Vàng 205, anh Mười đã mạnh dạn chuyển gần 2ha nhãn Miền Thiết đang kỳ khai thác quả sang ghép cải tạo bằng giống nhãn Ánh Vàng 205. Nhờ đó, đến nay anh Mười đã thu hoạch gần 12 tấn quả, bán 50.000 đồng/kg vẫn không đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu. Vụ nhãn năm 2023 này, anh ước thu trên 22 tấn nhãn quả các loại, trị giá ngót 1 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 800 triệu đồng.
Theo anh Mười, giá thành sản xuất 1kg nhãn VietGAP hoặc GlobalGAP khoảng 5.000 - 6.000 đồng, với nhãn trồng cho quả đưa vào chế biến, chỉ cần bỏ ra 1.500 - 2.000 đồng đầu tư chăm sóc sẽ cho ra 1kg quả, nhưng chỉ bán được từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Biết anh Mười là người hoạt bát, có mối giao thương rộng, trồng nhãn đạt hiệu quả cao, 14 hộ ở bản Huổi Bó và bản Yên Phương (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã) đã liên kết trồng nhãn theo mô hình HTX và góp vốn bằng 45ha vườn đồi, rồi bầu anh Mười làm Giám đốc.
Không phụ lòng tin của người dân, HTX dưới sự chèo lái của anh Mười đã phát triển được cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, xây dựng được 6 lò chế biến long nhãn, công suất 2 tấn quả tươi/ngày và sản xuất được 370 tấn nhãn quả VietGAP/năm.
Anh Mười cho biết, điều kiện sinh thái của địa phương rất thuận lợi cho phát triển trồng nhãn, nhưng HTX vẫn luôn khuyến cáo các hộ phải giữ ổn định độ màu mỡ đất canh tác, tạo sinh kế bền vững. Trong đó, không dùng thuốc trừ cỏ, không lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên cây trồng.
Để hiện thực hóa các khuyến cáo này, HTX chỉ ưu tiên kinh doanh các loại phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học, kết hợp hướng dẫn các xã viên quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), thực hiện bón phân cân đối, phun phòng khi vết bệnh mới phát sinh, phun trừ khi sâu non tuổi 1 - 2...
Kiểm tra thực tế cho thấy tất cả các vườn nhãn trên địa bàn đều dùng máy cắt cỏ. Các loại vật tư chăm bón nhãn đều nằm trong danh mục nhà nước cho phép dùng trên rau quả an toàn.
“Anh Lường Văn Mười là nông dân sản xuất, kinh doanh điển hình của huyện. Trong vai trò giám đốc HTX, anh luôn chủ động đứng ra làm cầu nối, giúp các cấp ngành chuyên môn trung ương và địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các kế hoạch phát triển nông nghiệp tới các hộ dân trên địa bàn”, ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã nhận xét.
Giống Ánh Vàng 205 đưa vào sản xuất tại vùng nhãn Sông Mã cho thấy ưu điểm nổi bật như bản lá rất to, giúp tăng khả năng quang hợp, tăng tích lũy chất khô vào quả, tăng năng suất, chất lượng; chùm quả to, độ đồng đều các quả/chùm rất cao, cho phép thu hoạch ngay khi quả chín đạt 90% trở lên (vỏ quả còn hơi xanh) vì lúc này cùi quả đã phát triển dày, ăn ngọt sắc, thuận lợi cho vận chuyển sản phẩm đi xa, nhất là với các địa phương trồng nhãn ở vùng sâu, vùng cao như Tây Bắc nói chung.
Giống nhãn Miền Thiết tại Khoái Châu (Hưng Yên) có vỏ quả dày và nám, mã xấu, nhưng trồng tại Sơn La vẫn cho quả to hơn vượt trội, cùi dày, vỏ sáng, mã đẹp và thu hoạch sớm hơn ở Đồng bằng sông Hồng khoảng 15 - 20 ngày.