| Hotline: 0983.970.780

Mưa triền miên, nhãn Sông Mã trầy trật mùa thu hoạch

Thứ Năm 17/08/2023 , 09:16 (GMT+7)

SƠN LA Mưa kéo dài khiến việc thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nhãn chính vụ của người dân huyện Sông Mã (Sơn La) gặp rất nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh.

Khốn đốn thu hoạch nhãn chính vụ

Năm 2023 diện tích nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã đạt hơn 7.500ha, sản lượng ước đạt hơn 70.000 tấn. Trong đó, nhãn chín sớm hơn 900ha, chính vụ hơn 6.000ha, nhãn chín muộn hơn 7ha.

Theo nhiều hợp tác xã (HTX) và hộ sản xuất tại đây, trà nhãn sớm có giá bán ở mức tương đối cao, từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, có thời điểm 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn thu hoạch nhãn chính vụ, thời tiết liên tục có mưa khiến việc thu hoạch cũng như chế biến nhãn gặp rất nhiều khó khăn.

Mưa kéo dài khiến việc thu hoạch nhãn chính vụ của người dân huyện Sông Mã gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Mưa kéo dài khiến việc thu hoạch nhãn chính vụ của người dân huyện Sông Mã gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lê Danh Phúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh (bản C5, xã Chiềng Khoong, Sông Mã) than thở, trà nhãn sớm năm nay thuận lợi bao nhiêu thì đến trà chính vụ lại khó khăn bấy nhiêu. Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn huyện liên tục có mưa làm cho các đồi nhãn trở nên lầy lội, đường giao thông đi vào các vườn trơn trượt khiến việc thu hoạch rất khó khăn, chậm tiến độ, chi phí thuê nhân công, vận chuyển nhãn từ vườn ra đường lớn tăng cao, thậm chí nhiều vườn không thể thuê được lao động vì chỉ có thanh niên sức vóc mới có thể thu hoạch, vận chuyển được nhãn trong điều kiện địa hình đồi núi nguy hiểm và đi lại khó khăn do trời mưa (thời tiết tạnh ráo có thể tận dụng được lao động lớn tuổi hoặc học sinh nghỉ học tại chỗ tham gia thu hoạch).

Đặc biệt, trời mưa lớn liên tục cũng khiến tỷ lệ nhãn bị úng nước, nứt vỏ tăng, nhiều vườn đầu tư chi phí lớn chăm sóc để bán nhãn tươi (nhãn ăn quà) cũng đành phải thu hoạch đưa vào chế biến long nhãn.

“Trà nhãn chính vụ năm nay tiêu thụ thuận lợi, tuy nhiên lại gặp thời tiết bất lợi. Gần nửa tháng nay không nhìn thấy mặt trời. Thời điểm này năm trước, xe tải ra vào HTX tấp nập như hội, trung bình mỗi ngày HTX xuất bán 100 thùng xốp nhãn (35 - 40kg/thùng), tương đương với 3 - 3,5 tấn/ngày. Vậy mà từ khi vào thu hoạch trà chính vụ đến nay mỗi ngày HTX chỉ xuất bán được 10 thùng xốp (3 tạ nhãn tươi). Có bạn hàng Trung Quốc đặt hàng với số lượng lớn nhưng không dám nhận hết như những vụ trước vì lo lắng không cung cấp đủ hàng do nhãn gặp nước lâu ngày nên xấu mã, khi đưa vào xử lý diệt khuẩn, nấm mốc, côn trùng thì tỷ lệ bị nứt nhiều”, ông Lê Danh Phúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh ngán ngẩm.  

Theo ông Lê Danh Phúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, mưa liên tục khiến chi phí thu hái, chế biến nhãn tăng lên. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Danh Phúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, mưa liên tục khiến chi phí thu hái, chế biến nhãn tăng lên. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo ông Phúc, vì lượng tiêu thụ giảm nên giá bán nhãn cũng bị ảnh hưởng. Hiện nhãn quả tươi có giá trung bình từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, hàng chọn từ 15.000 - 16.000 đồng/kg (cùng kỳ năm trước là 24.000 - 25.000 đồng/kg), hàng xô làm long nhãn có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, bản Tân Lập, xã Chiềng Khương (Sông Mã) cũng lo lắng khi thời tiết mưa kéo dài khiến quả nhãn không sáng mã, giá bán thấp. Bên cạnh đó, sức mua của thương lái đang có chiều hướng chững lại vì chất lượng nhãn bị ảnh hưởng do mưa. Năm nay, trà nhãn chính vụ cũng chín muộn hơn so với mọi năm, trùng với thời điểm thu hoạch nhãn của nhiều huyện, tỉnh thành khác nên lượng cung dồi dào, thương lái có nhiều sự lựa chọn.

“Thời tiết mưa mà không thu hoạch thì nhãn dễ bị úng nước, thậm chí phải vứt bỏ, còn nếu thu hoạch thì việc bán tươi đang khó khăn nên đành phải đưa vào sấy long nhãn. Nhiều nhà vườn đầu tư chi phí cho sản xuất nhãn tính ra phải từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, có vườn tới 9.000 - 10.000 đồng/kg mục đích để bán hàng tươi với giá cao, bây giờ phải đưa vào sấy long thì rất đáng tiếc vì giá mua nhãn làm long chỉ được 6.000 - 7.000 đồng/kg”, ông Trần Văn Lộc buồn bã.

Long nhãn được giá nhưng chi phí tăng cao

Thời tiết mưa kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới việc thu hoạch, tiêu thụ nhãn mà việc chế biến long nhãn của người dân huyện Sông Mã cũng vất vả và tốn kém nhiều chi phí hơn. 

Anh Nguyễn Quang Huy ở bản Liên Phương, xã Chiềng Khoong (Sông Mã), chuyên thu mua và chế biến long nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, hiện giá bán long nhãn nhìn chung có phần nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước, bình quân từ 125.000 - 130.000 đồng/kg (năm trước 100.000 - 110.000 đồng/kg), bán trực tiếp qua cửa khẩu cho thương lái Trung Quốc có giá 145.000 - 150.000 đồng/kg (hộ sản xuất chịu chi phí vận chuyển đến cửa khẩu), hàng long nhãn đặc biệt giá từ 165.000 - 170.000 đồng/kg.

Long nhãn có giá bán nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí chế biến lại tăng lên. Ảnh: Trung Quân.

Long nhãn có giá bán nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí chế biến lại tăng lên. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Huy, vỏ nhãn tách ra khi làm long nếu thời tiết nắng ráo chỉ cần đổ ra sân phơi là có thể đưa trở lại làm nguyên liệu đốt cho lò sấy nên các chủ lò giảm được rất nhiều chi phí nhiên liệu đốt để sấy long nhãn. Tuy nhiên, do trời mưa liên tục nên việc tận dụng vỏ quả nhãn cho lò đốt rất khó khăn, nhiều hộ phải mua củi về làm chất đốt. Bên cạnh đó, độ ẩm cao nên việc xử lý không khí trong lò sấy để tạo ra sản phẩm long nhãn đẹp cũng trở nên vất vả hơn.

“Theo tính toán, chi phí để sản xuất ra một cân long nhãn trong thời tiết mưa sẽ bị đội lên thêm khoảng 700 đồng/kg so với thời tiết thuận lợi, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các chủ lò sấy. Bởi lẽ, để tạo ra một kg long nhãn cần khoảng 10kg nhãn tươi (7.000 đồng/kg), chi phí thuê nhân công với giá 4.000 đồng/kg, củi đốt, điện vận hành kho lạnh chứa long nhãn thành phẩm…”, anh Huy tính toán.

Ông Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong) đánh giá, ít khi nào thị trường nhãn tươi trong nước lại ảm đạm như hiện tại, thậm chí ảm đạm hơn cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trước đây.

Tổng sản lượng nhãn năm nay của HTX khoảng 400 tấn. Việc tiêu thụ 100 tấn nhãn chín sớm rất thuận lợi, tuy nhiên, các thành viên HTX vẫn chưa thể vui vì số lượng nhãn chính vụ còn khá nhiều, nếu thời tiết tiếp tục có mưa thì buộc phải đưa toàn bộ vào sấy long nhãn.

“Việc sấy long không khó vì HTX có 14 lò sấy, tương đương 17 - 18 tấn quả tươi/ngày. Tuy nhiên, việc tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Chỉ cách nhau khoảng 2 - 3 ngày thôi, người làm long nhãn có thể thu lợi nhuận cao hơn nhưng cũng có thể thua lỗ vì mất giá.

Bên cạnh đó, đa phần các hộ dân không có điều kiện đầu tư kho lạnh để có thể chứa sản phẩm long nhãn khô đợi thị trường thuận lợi mới xuất bán. Cho nên, khi vào vụ, hộ nào cũng tranh thủ thời gian, thời tiết để chế biến và xuất bán cho được giá. Tuy nhiên, nếu tình trạng mưa tiếp tục diễn ra thì thực sự các hộ làm long vốn đã khó khăn sẽ càng thêm khó khăn”, ông Mười cho hay.

Các lò sấy long nhãn hoạt động cật lực do lượng nhãn quả dồn sang chế biến rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

Các lò sấy long nhãn hoạt động cật lực do lượng nhãn quả dồn sang chế biến rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã thông tin, trước những diễn biến khó lường của thời tiết và thị trường tiêu thụ, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong công tác trồng và chăm sóc các trà nhãn. Trong đó, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nhãn trái vụ để tránh tình trạng lượng cung quá lớn vào cùng một thời điểm, tạo thuận lợi cho công tác tiêu thụ.

"Trong điều kiện thời tiết mưa kéo dài, huyện cũng khuyến khích người dân cải tiến các lò sấy thủ công sang lò sấy hơi nhiệt sạch để chủ động, linh hoạt chuyển nhãn tươi sang làm long nhãn khi cần thiết, tránh thất thoát và giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kết nối, đẩy mạnh các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ người dân trong công tác tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích người dân từng bước nâng cao trình độ thâm canh để tạo ra sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và hướng tới xuất khẩu, thay vì tự phát mở rộng thêm diện tích nhưng không quản lý chặt chẽ được về chất lượng", ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất